3 năm đón Tết ở túp lều sông Tô Lịch
Cuối năm 2013 chúng tôi bất ngờ phát hiện “người rừng” cạnh sông Tô Lịch là ông Trương Ngọc Tuấn (73 tuổi – trú tại Hà Nội) đang sống một mình tại túp lều rách nát. Câu chuyện ngay lập tức làm nóng các diễn đàn mạng.
Nhớ lại thời điểm đó “người rừng” tưởng chừng như nghèo nhất đất Thủ đô bởi tất cả gia sản của ông không có bất cứ gì. Hàng ngày ông Tuấn đi lượm lặt ve chai ở khắp nơi rồi được bao nhiêu mua đồ ăn, đồ uống. Ông Tuấn bảo, nếu hôm nào sang lắm thì người dân thương cho gói bánh, chiếc áo ấm hoặc được đãi chai bia Hà Nội xem như cuộc đời thế là quá đủ.
Gặp chúng tôi ngay cạnh túp lều rách nát, ông Tuấn từng kể: “Có con cái đấy nhưng chúng nó đi lấy chồng, lấy vợ cả rồi mỗi đứa một cuộc sống riêng mà mình thì già rồi bám vào chúng nó làm gì. Trước tôi làm bảo vệ cho 1 xưởng gỗ nhưng rồi xưởng gỗ đó cũng chuyển nên từ năm 2010 dựng túp lều ra đây sống”.
Duy nhất một vật dụng mà “người rừng” xem như vật báu và cũng là tri kỷ với ông đó là chiếc móc sắt bởi theo ông thì đây là thứ giúp nuôi sống ông. Hàng ngày, ông dùng chiếc móc sắt này đi bới rác, tìm rác để bán lại kiếm vài ba đồng nuôi sống bản thân mà chẳng phải đi ngửa tay xin tiền bất cứ ai.
Đến cuối năm 2013 “người rừng” cho biết bản thân đã trải qua 3 cái Tết cạnh túp lều tềnh toàng đó và với ông mỗi cái Tết đều diễn ra như những ngày bình thường. Ông vẫn đi nhặt rác, vẫn sống lủi thủi 1 mình, vẫn với cái áo khoác rách rưới và 2 cái chăn mỏng manh dưới trời rét căm căm.
Ngày đó, gặp chúng tôi “người rừng” không hề than chuyện nghèo hay kể khổ mà ngược lại ông tỏ ra khá lạc quan. Nhưng sự lạc quan ấy khiến chúng tôi rơi nước mắt bởi với người đàn ông bước sang tuổi trên 70, trải qua bao cay đắng của cuộc đời, ấy thế mà đến cuối đời chỉ còn lại đói khổ, bơ vơ.
3 cái Tết no ấm bên những người bạn
Sau khi những bài viết về cuộc sống của “người rừng” đăng tải, chính quyền TP. Hà Nội cũng đã tạo điều kiện để đưa ông Tuấn lên Trung tâm bảo trợ người già và trẻ em tàn tật Thụy An (Ba Vì – Hà Nội). Cũng từ đây, cuộc sống của ông Tuấn rẽ sang trang mới, ông được bầu bạn với những bạn già, được trò chuyện, vui cười và đón những cái Tết ấm no, đầy tiếng cười.
Năm ấy, ông Tuấn bất ngờ gặp lại ông Quang Anh – là người bạn tri kỷ của tuổi thơ sống tại đê Hồng Hà (Hoàn Kiếm – Hà Nội). Ông Quang Anh cũng do số phận đưa đẩy và bị tật nên được đưa lên đây. Ông Tuấn và ông Quang Anh được ban GĐ Trung tâm sắp xếp ở chung phòng để tiện chăm sóc, nương tựa nhau lúc tuổi già. Thế nhưng một thời gian sau do sức khỏe yếu, ông Quang Anh đã vĩnh viễn rời xa “người rừng”.
Thế nhưng vẫn giữ vẻ lạc quan, ông Tuấn kể: “Chẳng dám than trách điều gì, cuộc đời mình như thế này là vui rồi. Hàng ngày có cơm ăn nước uống, có người phục vụ và hơn thế là có người để bầu bạn, trò chuyện”.
Nhớ “nghề”, hàng ngày ông Tuấn vẫn cùng chiếc móc sắt lang thang quanh Trung tâm để bới rác, tìm kiếm ve chai mặc dù xong xuôi cũng chẳng để làm gì. Nhưng, với ông đó là cái nghiệp, cái nghề như đã ăn vào máu, không làm không được và thấy ngứa ngáy chân tay vô cùng.
Trải qua 2 cái Tết trên này và Tết năm 2016 là năm thứ 3 được đón Tết tại đây, ông được phía Trung tâm, các hội từ thiện tặng những món quà tinh thần và cả những bánh chưng, giò chả, mứt Tết chứ không còn đơn độc, cô quạnh như thời còn ở sông Tô Lịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Công Lợi (PGĐ Trung tâm) cho biết: “Từ khi lên đây ông Tuấn vui vẻ, yêu đời, khá hiền lành. Do các nhân viên của Trung tâm chăm sóc tốt nên sức khỏe ông tăng lên rõ rệt”.