Ở trung tâm thành phố, chuyện người dân sống trong những căn nhà chật hẹp là điều khó tránh khỏi. Nhưng cám cảnh như gia đình bà Phan Thị Hoang (62 tuổi) thì đủ khiến nhiều người ái ngại khi nhìn vào căn nhà siêu nhỏ của bà. Thật khó tin khi ngôi nhà chỉ hơn 2m2 lại là nơi sinh sống của 7 người suốt hơn 20 năm nay.
Căn nhà của bà Phan Thị Hoang nằm sâu trong con hẻm 408, đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Vô trong hẻm, hỏi nhà bà Hoang "siêu nhỏ", không ai là không biết. Trong ảnh, là căn nhà cũ lụp xụp nhỏ như hộp diêm của bà Hoang.
Giữa nhà còn có cây cột gỗ, càng làm cho ngôi nhà thêm chật chội, tù túng. Chị Phan Thị Bé Ba, con gái bà Hoang (39 tuổi, áo xanh) kể: "Trước năm 1975 thì gia đình tôi làm gì có nhà, cứ vật vạ ngoài đường vậy. Sau đó, chính quyền mới cấp cho căn nhà nhỏ này, tôi không nhớ rõ từ năm nào nhưng ở đây cũng phải hơn 20 năm rồi".
Ban đầu, chỉ vài ba người ở, nhưng sau con cái lập gia đình, sinh nở và sống ở đây luôn. Bên trong căn nhà chỉ hơn 2m2 lỉnh kỉnh tủ lạnh, tủ quần áo. Chỗ ngủ của ba thế hệ là chiếc giường tầng bằng sắt cũ rỉn.
Khi có khách vào nhà, thì phải ra đường hoặc đứng ngoài cửa tiếp chuyện vì không còn chỗ vào nhà. Vì nhà chật nên bên trong nhà thường chỉ có 4 người. Chị Ba giải thích: "Đến khuya nhà này mới đủ 7 người. Bà Hoang thì đi bán hàng rong đến 12h mới về, con rể tôi làm giữ xe đến sáng, tôi thì đi phụ quán cơm đến tối. Vì vậy nên phải tối khuya mới đủ người".
Cái giường nhỏ xíu với chiều ngang chỉ 1m là nơi hai mẹ con bé Hoàng Vy (áo hồng, 4 tuổi) ngủ nghỉ, sinh hoạt. Phía trên treo lỉnh kỉnh đồ đạc. Giường dưới thì con rể chị Ba ngủ. Còn phần sàn nhà thì chị Ba ngủ và một người cháu ngủ.
Nhà quá nhỏ nên mọi đồ đạc khác như chén đĩa, bếp nấu... phải để bên ngoài.
Những phương tiện như xe máy, xe đạp, xe đẩy bán hàng phải để ở cửa một ngôi miếu cạnh nhà. Tối đến chị Ba khóa cẩn thận lại. "Khóa vậy mà vẫn hay mất, khi thì cái bát, lúc cái bếp, cái dù...", chị nói.
Nếu ban ngày, người trong gia đình đi làm, đi học... thì tối đến vấn đề san sẻ chỗ ngủ luôn gây khó khăn. Vợ chồng trẻ, con nít thì được ưu tiên ngủ trong nhà còn người già thì mang giường ra ngoài đường ngủ. Chiếc giường cũng làm nơi cất đồ đạc, treo quần áo và nơi vui chơi của bé Vy.
Vì giường quá hẹp nên nhiều khi người lớn chỉ còn cách gác chân lên cây cột gỗ giữa nhà. Mà muốn leo lên giường cũng khó, phải lách người mới leo được. "Ở đây buổi tối cũng nóng, quạt hoạt động hết công suất mà không mát. Buổi trưa thì không khác nào lò hơi, ngồi tí mà mồ hôi nhễ nhại", con rể bà Hoang cho hay.
Bà Phan Thị Hoang đi bán rong về khuya nên và lấy chiếc ghế ra ngoài ngủ để nhường chỗ trong nhà cho con cháu.
Tương tự, một người con gái của bà Hoang cũng phải ngủ bên ngoài, cạnh ngôi miếu. Ngủ ngoài đường, ban đêm sương lạnh nhưng vẫn đỡ hơn khi trời mưa. Lúc đêm mưa thì họ buộc phải dọn vào nhà và cứ thế mọi người đứng trong nhà, chờ hết mưa.
Nhà không có chỗ để vệ sinh, tắm rửa. Mọi sinh hoạt đều phải diễn ra bên ngoài căn nhà siêu nhỏ. Cạnh ngôi miếu, gia đình bà Hoang mua nước của miếu và dùng vỉa hè làm nơi sinh hoạt, nấu nướng.
Do ngoài đường nên không có chỗ tắm, Để có thể tắm, họ phải đi xa khoảng 1km và tắm giặt với giá 5 ngàn/người/lần. Việc đi vệ sinh cũng khó khăn, người lớn thì đi bên ngoài cách đó 10 phút đi bộ. Trẻ nhỏ đi vệ sinh vào bô, rồi xả chất thải ra ngoài cống.
Việc ăn uống thì gia đình bà Hoang họa hoằn lắm mới nấu ăn vì không có điều kiện. Mỗi ngày, họ lại đi xe đi ăn cơm bụi. Quán cơm bụi thường ở quận 4, cách nhà khoảng nửa giờ chạy xe máy. Trong ảnh, Cẩm Vân (con gái chị Ba) chở hai người đi ăn cơm bụi từ thiện với giá chỉ 5 ngàn/dĩa. "Nhà nghèo, chi tiêu đắt đỏ, tôi bán khoai chiên thu nhập chẳng được bao nhiêu nên chỉ dám ăn vậy", chị Vân nói.
Cả gia đình chị Vân cũng không thể thuê trọ ngoài vì nơi đây cũng là chỗ họ làm ăn và giá thuê lại đắt đỏ. Và họ vẫn sống được trong những ngôi nhà như thế, ngày này qua ngày khác, có khi đến hết cuộc đời...