Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 4 được dự báo có cường độ rất mạnh sắp đổ bộ vào nước ta, sáng nay Bộ GTVT đã có công điện về việc ứng phó.

Cấm đường khi bão lớn: Ai sẽ cấm và cấm như thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão xem xét cấm đường ở những khu vực bão đổ bộ, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông trên tuyến QL1A và tuyến đường sắt Bắc Nam.

Vậy chính quyền địa phương và ngành chức năng sẽ cấm đường trong tình huống nào? Phóng viên VOVGT đối thoại với ông Nguyễn Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 3 – Tổng Cục Đường bộ Việt Nam.

PV: Thưa ông, theo đề nghị của Bộ NN&PTNN các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão xem xét cấm đường. Vậy theo ông địa phương hay Bộ GTVT sẽ ra quyết định này?

Ông Nguyễn Thanh Hoài: Theo Luật Giao thông đường bộ, đơn vị nào được giao quản lý, tổ chức giao thông tuyến đường nào thì đơn vị đó sẽ ra quyết định cấm tuyến đường đó.

Chẳng hạn, hệ thống quốc lộ sẽ do Bộ GTVT quyết định, còn các tuyến đường do địa phương quản lý thì địa phương đó quyết định theo cấp tổ chức giao thông theo luật định.

Về thời điểm cấm đường, hiện tại Cục đã yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật các bản tin dự báo thời tiết và thực tế tình hình để xử lý. Hiện tại, Cục trưởng sẽ trực tại Đà Nẵng, Phó Cục trưởng sẽ trực tại Quảng Nam, còn lãnh đạo các chi cục sẽ trực tại tất cả các tỉnh thuộc địa bàn Cục Quản lý Đường bộ 3 để nắm bắt tình hình cụ thể và triển khai các phương án ứng phó kịp thời.

Về công tác phối hợp, Cục đã phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương, Ban ATGT các tỉnh, trước thời điểm bão lụt thường xuyên xảy ra Cục đã có phương án dự kiến phối hợp về phân luồng và đảm bảo giao thông.

PV: Để thực hiện phương án cấm đường trong thời gian bão lớn đổ bộ cần những điều kiện nào?

Ông Nguyễn Thanh Hoài: Phải dự đoán được tình huống xảy ra, để làm sao đảm bảo không gây ách tắc giao thông, đồng thời cũng không gây nguy hiểm cho người đi đường. Vì thế, phải phán đoán tình hình, theo dõi các bản tin thời tiết và tình hình thực tế để ra các lệnh cấm đường đảm bảo chính xác, hiệu quả.

Trên cơ sở đó tất cả các điểm xung yếu có thể sẽ phải cấm đường do bão Cục đã yêu cầu các đơn vị, chi cục quản lý đường bộ trên các địa bàn, các nhà thầu quản lý bảo trì thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, các nhà đầu tư BOT trên địa bàn từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm 4 tại chỗ.

Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình, theo dõi vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, thủy lợi chuẩn bị cho tình huống ngập lụt có thể xảy ra, đặc biệt là mưa lớn do hoàn lưu sau bão.

Tại các vị trí xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở, Cục đã yêu cầu khẩn trương tập trung máy móc, thiết bị để chuẩn bị ứng phó; còn các vị trí ngập lụt đã chuẩn bị tiêu bè, barie, huy động người để trực gác, phân luồng từ xa, trong trường hợp cần thiết có lệnh sẽ cấm đường ngay.

PV: Xin cảm ơn ông./.