Khi được 5 tuổi, Huỳnh Trung Hiếu bất ngờ bị não úng thủy. Hiếu hôn mê gần 1 năm trời, và sau đó đôi mắt vĩnh viễn không thấy được nữa do dây thần kinh thị giác đã bị tổn thương. Khi hỏi về những mùa Tết của 5 năm đầu đời, Hiếu kể: "Em đã hôn mê gần 1 năm, nên những chuyện trước đó không nhớ gì cả. Khi tỉnh lại em cũng rất khó khăn để thích ứng với mọi thứ xung quanh".

Hỏi về cách cảm nhận không khí Tết trong hiện tại, Hiếu chia sẻ: "Dĩ nhiên em không thể nhìn thấy màu sắc, nhưng em có những cách cảm nhận riêng của người khiếm thị...".

Cách mà Hiếu cảm nhận Tết cũng như những người khiếm thị khác là bằng thính giác, xúc giác, khứu giác và những cảm xúc do tiết trời mang lại. Hiếu liệt kê cụ thể, những khi tiết trời thay đổi, chuyển lạnh, Hiếu biết đó là mùa đông và sắp tới sẽ là Tết. "Khi ra đường, hay ở trước sân nhà, em nghe người ta mở nhạc xuân khắp nơi, nghe những người bán hàng trước nhà hỏi nhau xôn xao: khi nào nghỉ Tết, khi nào về quê... em biết chắc chắn là ngày Tết đang cận kề rồi. Muốn biết chính xác thêm nữa thì hỏi mẹ về ngày tháng, hay tự mò mẫm dò lịch cá nhân". - Hiếu giải thích thêm.

Cảm nhận Tết của một chàng trai khiếm thị 1
Từ sân nhà, Hiếu có thể lắng nghe tiếng xuân rộn rã bên ngoài.

Năm 2013, Hiếu đã hoàn thành xong chương trình THPT tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Khi còn đi học, tháng Chạp hàng năm, Hiếu và các bạn sẽ được nhà trường tổ chức vui xuân, tiễn các bạn học sinh ở tỉnh xa về quê ăn tết. Hiếu và các bạn sẽ được tham gia các trò chơi như: đá bóng, đập bóng, ném trúng mục tiêu, võ thuật,...

Trò chơi dễ nhất với các bạn là trò xác định các món ăn, mứt, hoa quả.... bằng khứu giác. Hiếu nói: "Những ngày này em cũng có thể cảm nhận được không khí tết qua việc ngửi thấy mùi hoa ở cạnh mình, các loại dưa kiệu, dưa muối, mứt tết...".

Hàng năm, Hiếu đều được chị gái và mẹ dắt đi chơi công viên, hội hoa xuân. Dù không thấy được gì, nhưng không khí rộn ràng, náo nức tiếng nhạc, tiếng người khiến Hiếu cũng thấy lòng mình vui theo. Hiếu từng được sờ vào đầu lân, ấn tượng của Hiếu về lân là "con vật có cái mũi rất to".

Lúc đi dạo phố, gặp những sản phẩm không dễ hư hao như tượng, tranh ghép bằng gỗ, mẹ của Hiếu sẽ xin phép người bán để con mình được sờ vào, cảm nhận bằng tay. Riêng những thứ khác, Hiếu sẽ nghe mẹ miêu tả lại. Bà Nguyễn Thị Được - mẹ của Hiếu - vừa cười vừa nói: "Hoa ngoài công viên thì không phải loài nào cũng sờ được, vì không khéo hoa sẽ rụng cánh. Nên tôi trồng cây mai trước nhà. Mỗi dịp tết, thi thoảng Hiếu ra sờ, nắm, và ngửi hương mai. Hoa có rụng cánh thì cũng sao, cái đó không quan trọng". 

Cảm nhận Tết của một chàng trai khiếm thị 2
Cành mai ngày tết có thể dễ dàng rụng cánh, nhưng người mẹ thấy an lòng, vì đây là cách để Hiếu cảm nhận hương xuân.

Khi hỏi về lịch du xuân năm nay, Hiếu có phần ái ngại: "Khi còn nhỏ, đến chỗ đông người, em cảm nhận là được mọi người quan tâm, san sẻ. Khi em chạm hay va vào ai, em nghe họ hỏi: sao vậy con, con muốn đi đâu?. Giờ ra đường nếu có chen lấn, đụng chạm em có cảm giác là mọi người rất khó chịu, dè chừng, nghi ngờ. Một phần do mắt em không mờ đục như mắt các bạn khác". 

Dù là người khiếm thị, nhưng ở nhà Hiếu vẫn tham gia dọn dẹp, lau chùi lư hương, bình tách, tranh liễn mỗi dịp tết về. Hiếu đang theo học lớp châm cứu, bấm huyệt của đông y. Anh hy vọng, 4 năm sau, mình sẽ là người thành thạo ở lĩnh vực này.

Cảm nhận Tết của một chàng trai khiếm thị 3
Chuẩn bị đón Tết, Hiếu vẫn có thể làm tốt việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa.

Cảm nhận Tết của một chàng trai khiếm thị 4
Điện thoại, máy tính của Hiếu đều có phần mềm âm thanh, giúp Hiếu có thể kết nối với xung quanh.