Những cánh rừng bị lửa "nuốt chửng"của miền Trung
Tháng 6 miền Trung nắng, nóng như đổ lửa. Và ở Hà Tĩnh, lửa đổ thật, lửa rừng rực, lửa hung hãn táp từ vùng rừng Nghi Xuân, lan rộng về hướng Nam.
Hà Tĩnh cháy rừng! Nhìn từ xa, ngọn núi Hồng Lĩnh như một biển lửa nuốt chửng khu rừng thông, chực tấn công vào những ngôi làng mấp mé phía bìa rừng.
Ảnh: Minh Thùy, Phan Quỳnh Giang
Trong cái ngột ngạt vô cùng của lửa, của khói, của tàn bụi phủ kín vùng đất, vùng rừng bên bờ sông La thơ mộng, hàng ngàn chiến sĩ cứu hỏa, những chiến sĩ bộ đội, công an, cán bộ… và cả người dân lân cận, thậm chí là những người lớn tuổi ở không quá gần cũng xung phong đến cứu rừng. Ai cũng nhễ nhại mồ hôi và lấm lem khói bụi, nhưng tất cả đều căng mình, gồng sức chữa cháy, bảo vệ phần còn lại của những lá phổi xanh rừng phòng hộ khỏi sự tàn phá của "bà hỏa" trong một ngày lên cơn cuồng nộ.
Trong trận chiến chống lại "giặc lửa" của những người lính cứu hỏa và nhân dân tại khu vực rừng thông huyện Nghi Xuân diễn ra suốt 4 ngày, từ 28/6 đến 1/7, không ít người, cả chiến sĩ lẫn dân thường đã kiệt sức vì nắng, bị thương vì lửa bỏng rát. Nhiều chiến sĩ làm việc từ sáng đến tối, khi mệt quá, họ nằm xoài xuống nền đất rừng, chợp mắt một lúc để có sức chống chọi với đám lửa.
Trong mùi khói khét lẹt và mồ hôi mặn chát, họ chia nhau ổ bánh mỳ, suất cơm hộp, chai nước uống giữa đám cháy để có sức mà làm tiếp. Họ thay phiên nhau thức thâu đêm, song những người ở hiện trường kể lại, không một lời kêu ca nào được thốt ra, họ tiếp tục nghiến răng, giữ chặt vòi nước khống chế đám cháy.
Nom những gương mặt trẻ trung lẫn cùng những mái đầu muối tiêu chung nhau một bộ dạng nhem nhuốc vì khói bụi, ăn uống tạm bợ ngay tại chỗ rồi khi quá mệt, nằm vạ vật trên nền đất nghỉ hồi sức để canh cháy rừng, nhiều người không khỏi rưng rưng xúc động.
Ảnh: TTXVN, Minh Thùy
Hơn 2 tháng trước, Nhà thờ Đức Bà Paris ở nước Pháp xa xôi chìm trong biển lửa khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhiều người nổi tiếng và cư dân mạng Việt, những người yêu mến công trình lịch sử ấy đã cuống cuồng lên mà thảng thốt, xót xa, mà đau đớn, khóc than, mà kêu gọi hãy cứu lấy Nhà thờ Đức Bà Paris… Câu chuyện ấy vào những ngày cuối tháng 4 cũng tốn nhiều tranh cãi, rằng sao cần thương vay khóc mướn cho một vụ họa hoạn ở nơi xa lạ, mà bao công trình khác ở nước mình đang chìm vào lãng quên, bao mảnh đời khổ đau bên cạnh mình, có những người không nhỏ một giọt lệ.
Ảnh: TTXVN
Mấy hôm nay, khi lá phổi xanh ven Hà Tĩnh bỗng lâm nạn, câu chuyện ấy lại được khơi lên. Đâu đó vang lên những lời nguyện cầu, và đâu đó cũng là những lời oán trách, rằng giá như thiên hạ cũng có cảm xúc mạnh mẽ như thế với mảnh rừng miền Trung, nơi mụ hỏa đang thiêu rụi rừng xanh, đang đe dọa mạng sống hàng trăm chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, dân quân, công an, bộ đội và hàng triệu người dân lương thiện sống ven rừng.
Giá như trên Facebook người ta cũng rầm rộ cầu nguyện cho Hà Tĩnh, cho cánh rừng Nghi Xuân. Có người còn đặt hẳn lời chất vấn rằng, không lẽ mạng sống và nỗi đau của đồng bào trong hiện tại không có giá bằng một di tích cổ xưa ở rất xa đất nước chúng ta?
Có hay không những lời ngợi ca, họ vẫn cứu rừng bởi lời hiệu triệu của trái tim
Nhưng có lẽ, những lời ấy buông vào thời điểm này, và thời điểm nào cũng vậy, khập khiễng lắm thay! Có thể khi khóc than cho cánh rừng xanh mắc đọa, ai đó không cần làm màu tạo hashtag, tạo trend. Có thể họ chẳng có tấm ảnh check-in nào dưới cánh rừng thông Hà Tĩnh, nhưng vẫn đau khi theo dõi tin lá phổi xanh sặc khói. Có thể người ta không có bạn bè thân quen ở mảnh đất cằn ấy, không trực tiếp lo cho an nguy của người mình thương, nhưng ai nỡ lạnh lùng trước những dòng tin, bức ảnh về vụ cháy kinh hoàng này, trước tính mạng của đồng bào mình?
Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Có thể người ta ngần ngại một lời nói ra, nhưng chắc hẳn hàng triệu người đang hướng về Hà Tĩnh và dành rất nhiều lòng biết ơn, tình yêu cho những người cố gắng hết sức bám rừng chữa cháy. Sao mà không tự hào, cảm phục trước hình ảnh các anh xông pha nơi biển lửa, mãnh liệt kiên cường? Sao mà không thương những phút chợp mắt ven rừng, những bữa ăn vội vàng cho qua bữa rồi làm nhiệm vụ, không ngại vất vả gian khó của những người lính cứu hỏa quả cảm và nhân dân?
Cái nắng nóng gay gắt, thảm lá khô dày và cả gió Tây Nam liên tục thách thức sự nỗ lực dập lửa của hàng ngàn con người. Bởi gió phơn thổi mạnh, việc dùng trực thăng chữa cháy là điều chưa thể. Vậy là đám cháy ở Hồng Lĩnh hoàn toàn dựa vào sức người. Những bộ quần áo ướt đẫm, ai nấy gương mặt đỏ lựng, mồ hôi túa ra như tắm nhưng họ đều hiểu mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa để cứu lấy rừng, cứu lấy sinh mạng của người dân sống ở khu vực liên tục.
Lửa được khống chế rồi lại bùng lên trở lại, đặc biệt vào 3 giờ sáng ngày 29/6, tạo thành cơn cháy rừng có quy mô khủng khiếp trong nhiều năm trở lại đây. Lần này, các chiến sĩ ngoài dập lửa còn kiêm thêm trách nhiệm sơ tán cho hàng trăm hộ dân có thể bị ảnh hưởng bởi cơn cháy rừng ngày càng lan rộng.
Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Đó là công việc, là nghĩa vụ của họ, của lính cứu hỏa và quân đội, công an, là nghĩa vụ công dân của những người sống gần đám cháy... nhưng không chỉ có vậy, những người thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn cánh rừng Nghi Xuân đã sẵn sàng quên mình, bởi họ làm theo mệnh lệnh từ trái tim.
Và dù có được ngợi ca, được ghi nhận đúng những vất vả hay đớn đau mà họ đã làm hay ai đó còn thờ ơ chưa đồng cảm, thì những người lính đang và vẫn luôn luôn xông pha hết mình. Đôi khi họ bất chấp cả sự an toàn bản thân để diệt giặc lửa, cứu lấy tài sản và tính mạng nhân dân, vì một tấc đất, một khoảng rừng, một sinh mạng đều đáng giá…
Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Hà Tĩnh cả tháng nay đất trời như lửa đốt, nay giặc lửa vây tứ phía, những cánh rừng xanh thẳm giữa ngút ngàn Trường Sơn như đổi cả màu vàng xen lẫn màu đen, oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng lòng người thì thuận, một lòng một dạ thiết tha sâu đậm hơn trong thảm họa, như mạch nguồn dòng La tuôn chảy, như câu ví dặm đò đưa ân tình xứ Nghệ.
Và thôi đừng trách mắng gì nhau đã không nhỏ lệ cho cánh rừng Hà Tĩnh, hãy cùng cầu nguyện cho không ai nguy hại thêm trong cơn lửa dữ, cho những giọt mồ hôi nước mắt dân lành đã đổ để giữ rừng được bình yên, cho những hôm sau trời dịu đi, mưa đổ xuống cùng người chữa lửa, xoa đi vết thương đau con người đã vô tình đổ lên cánh rừng, như bài thơ của một bác sĩ trẻ người Hà Tĩnh vừa viết đêm qua:
"Có cơn mưa nào ghé đến đây không?
Hà Tĩnh quê tôi đang oằn mình trong lửa.
Những dãy núi xanh nay còn đâu nữa.
Cháy mất rồi trong biển lửa mênh mông.
Có cơn mưa nào ghé đến đây không?
Lúa cháy, đất nung giữa mùa hạn hán.
Tấm áo nâu... hai hàng khóc cạn.
Rừng không còn, ruộng cũng trắng khô.
Có cơn mưa nào có thể đến bây giờ?
Lửa ngút ngàn trong gió Lào ngùn ngụt
Những chiến sĩ lao mình dập cơn nghi ngút
Mấy đêm rồi chưa ngủ mưa ơi!
Mong trời cao cho những giọt mưa rơi
Để đồi cháy thành xanh tươi trở lại
Ruộng đồng mênh mông lúa trổ bông xanh mãi..."
Tóm tắt sơ lược về vụ cháy Hà Tĩnh
- Khoảng 13 giờ ngày 28/6, đám cháy bùng phát tại Tiểu khu 92 rừng phòng hộ, xã Xuân An, huyện Nghi Xuân. Nguyên nhân được cho là vì sự bất cẩn của một người dân khi đốt rác, cộng với thời tiết nóng khô đã gây cháy lớn.
- Huyện Nghi Xuân đã huy động gần 1.000 người, gồm Kiểm lâm, Bộ đội (Ban CHQS huyện), Tiểu đoàn Đặc công D31 (Bộ Tư lệnh Quân khu 4), Công an huyện và nhân dân địa phương cùng nhiều phương tiện tiến hành dập lửa.
- Khuya đêm 28/6, đám cháy tạm thời được kiểm soát.
- 3 giờ sáng ngày 29/6, đám cháy bùng phát trở lại và lan rộng sang các khu rừng ở các tổ dân phố 1, 2, 3 thị trấn Xuân An.
- 11 giờ ngày 29/6, cháy rừng tiếp tục bùng phát ở Xuân Hồng, cận kề 50 hộ dân thôn 7, thôn 8.
- Sáng 30/6, lửa rừng tiếp tục quay lại, bùng cháy tại dãy núi thuộc TDP 1, thị trấn Xuân An.
- Chiều 30/6, lửa lại cháy ở TDP 1, thị trấn Xuân An. Đây là lần cháy thứ 5 ở khu vực này..
- 5h30 sáng 1/7, tất cả các điểm cháy rừng ở 7 huyện của Hà Tĩnh đã tắt lửa sau nỗ lực của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, kiểm lâm viên và dân quân tự vệ. Tuy nhiên, lửa vẫn âm ỉ ở dưới gốc rừng và lại bùng lên vào giữa buổi sáng các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên vì gió phơn thổi mạnh.
- 12h30 trưa 1/7, các điểm cháy rừng bùng phát đã được dập ở Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.
- Chiều 1/7, đám cháy rừng phần nào được khống chế. Dự báo thời tiết đêm 1/7 có khả năng Hà Tĩnh sẽ có mưa. Đây cũng là điều mà người dân cả nước đang trông đợi nhất lúc này.