Hỏi: Mùa hè, tôi thường nấu nồi nước mát, pha trà cho cả nhà uống và hay cho thêm ít cam thảo vào để mùi nước thơm và ngọt hơn. Tôi nghe nói dùng cam thảo thường xuyên không tốt cho sức khỏe. Vậy điều này có đúng không? Dùng nhiều cam thảo có tác hại gì không?
Đào Oanh, Hải Dương)
Trả lời: Theo y học cổ truyền, cam thảo có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, giải co thắt, giảm đau, nhuận phế, chỉ khát, thanh nhiệt, giải độc, điều hòa tính vị của các vị thuốc.
Khi nhắc đến cam thảo, người ta thường nghĩ ngay đến 2 tác dụng lớn của nó là điều hòa và giúp giải độc các vị thuốc. Ví dụ: Dùng cam thảo trong các bài thuốc bổ khí để tăng thêm tác dụng bổ khí như trong bài Tứ quân, Bổ trung ích khí: Cam thảo cùng dùng với Hoàng kỳ, Nhân sâm làm tăng thêm tác dụng bổ khí của Sâm kỳ, để bổ khí thường dùng Chích Cam thảo.
Theo Tây y, cam thảo có tác dụng giải các độc tố như chloralhydrat, độc tố bạch hầu, uốn ván.
Cam thảo có tác dụng chống co thắt cơ trơn ở ống tiêu hóa, chống loét đường tiêu hóa, ức chế tiết axit dịch vị do tác dụng của histamine làm vết thương chóng lành, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, chủ tịch Hội đông y quận Ba Đình cho biết: Mặc dù cam thảo có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng nó cũng có những tác dụng phụ, nhất là khi dùng quá liều lượng được quy định.
Cam thảo có thể làm giảm sinh lý ở đàn ông do có chứa chất gluxigrin – làm giảm nội tiết tố nam, có thể gây nên tình trạng bất lực, liệt dương ở nam giới. Thực nghiệm cho 20 nam giới sử dụng nước chiết xuất của 1,3g cam thảo khô mỗi ngày, tương ứng với 400mg AG, dùng trong 10 ngày, kết quả lượng testosterone ở những người sử dụng cam thảo đã giảm đáng kể so với người bình thường.
Bên cạnh đó, sử dụng cam thảo ở lượng lớn dễ gây phù toàn thân và tăng huyết áp: Các nhà khoa học Mỹ cũng đã nghiên cứu và phát hiện ra hoạt chất axit glycyrrhizic (AG) trong cam thảo là nguyên nhân gây nhiễm độc, dẫn đến hiện tượng nhức đầu, tăng huyết áp, làm cơ thể mệt mỏi do giữ natri và bài tiết kali, thậm chí dẫn đến tim ngừng đập.
Trong Đông y, với những người bị đầy bụng, nôn, phù thũng, đàn ông sinh lý yếu, liệt dương thì không dùng riêng cam thảo. Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, không tiêu thụ quá 100mg AG cam thảo/ngày.
Do đó, khi cơ thể bị nhiệt, gây nên cảm giác khó chịu do khát nước, khô họng, tiểu ít, miệng lưỡi lở… có thể sử dụng cam thảo kết hợp với các loại thảo dược khác làm mát gan, tiêu độc. Cần xin ý kiến của bác sỹ nếu muốn dùng chúng làm nước uống thường xuyên với những người đang mắc các bệnh cấp và mạn tính, sử dụng các thuốc điều trị đặc hiệu. Ngay cả người khỏe mạnh cũng không nên lạm dụng, bạn chỉ nên uống trong thời gian ngắn và nên thay đổi các thành phần trong bình nước mát cho cả nhà.
Một số bài thuốc từ cam thảo: 1. Trị các chứng viêm nhiễm như ung nhọt sưng tấy, hầu họng sưng đau, viêm tuyến vú, phế ung ( áp xe phổi), chàm lở, lở mồm: Dùng Sinh Cam thảo. Thường phối hợp với các loại thuốc thanh nhiệt giải độc như trị ung nhọt, dùng với Bồ công anh, Kim ngân hoa, Liên kiều. Trị hầu họng sưng đau, gia Cát cánh, Huyền sâm, Ngư tinh thảo, Sơn đậu căn, Xạ can, Ngưu bàng tử. 2. Trị viêm họng mạn tính: Dùng Cam thảo sống 10g ngâm nước sôi uống như nước trà, hết ngọt bỏ đi, uống liên tục cho đến hết triệu chứng. Kiêng ăn cá, ớt, đường, bệnh nhẹ uống 1 - 2 tháng, bệnh nặng uống 3 - 5 tháng. 3. Trị chứng nứt da: Cam thảo 50g ngâm cồn 75% 200ml sau 24 giờ, bỏ xác, cho glycerin 200ml, lúc dùng rửa sạch chỗ nứt, bôi thuốc vào. 4. Trị nhiễm độc thức ăn: Dùng Sinh Cam thảo 9 - 15g, sắc nước chia 3 - 4 lần uống trong 2 giờ, một số rất ít có sốt gia bột Hoàng liên 1g, trộn nước thuốc uống, trường hợp nhiễm độc nặng dùng Cam thảo 30g sắc cô còn 300ml, mỗi 3 - 4 giờ xông thụt dạ dày 100ml và rửa dạ dày, truyền dịch. (Nguồn: Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Học viện Quân y) |