BS Hồ Vĩnh Thắng, Phó khoa Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, trong năm 2017 có 9.872 bệnh nhân mắc bệnh quai bị, tăng đến 87.3% so với năm 2016 (5.270 ca) và tăng 2.2 lần so với trung bình 5 năm 2012-2016.
Ghi nhận 15/20 tỉnh thành tại khu vực phía Nam có số ca mắc bệnh thô tăng so với năm trước. Cao nhất là ở Bình Dương khi bệnh nhân quai bị năm 2017 cao gấp 7.2 lần so với 2016.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, có 4.201 ca mắc bệnh quai bị tại khu vực phía Nam, giảm 11.3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 1.6 lần so với trung bình 5 năm 2013-2017.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo cơ sở tiêm ngừa phải có màn hình cho trẻ em giải trí trong lúc chờ tiêm.
Quai bị có thời gian ủ bệnh trung bình 16-18 ngày, tuy nhiên đang có xu hướng thay đổi thành 12-25 ngày. Nguy cơ lây truyền cao nhất từ 6 ngày trước khi khởi phát và kéo dài đến 2 tuần sau khi sưng tuyến mang tai.
Điều nguy hiểm là bệnh khi khởi phát không có dấu hiệu đặc hiệu. Các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, khó chịu, đau cơ có thể khiến người dân nhầm lẫn với những bệnh khác.
Với phụ nữ nếu nhiễm virus quai bị, khoảng 7-30% người bệnh có biến chứng viêm tuyến vú và viêm buồng trứng. 5-10% bệnh nhân biểu hiện viêm màng não.
Ngoài quai bị, sởi cũng là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong mùa này, gây dịch do vi rút sởi gây nên.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan thành dịch, thường gây tử vong tại các nước đang phát triển. Biến chứng của sởi gây ra tiêu chảy, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não và thậm chí gây tử vong.
Để phòng bệnh sởi và quai bị thì tiêm vắc xin là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất.
Năm 2014, Việt Nam đã có dịch sởi xảy ra ở 24 tỉnh/thành, trong đó có cả các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Theo báo cáo của Cục y tế Dự Phòng (Bộ Y tế) có 16.606 trường hợp mắc bệnh sởi năm này. Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đã điều trị hơn 1.280 bệnh nhân bị bệnh sởi và hơn 100 trẻ em tử vong vì các biến chứng liên quan đến sởi.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh sởi và quai bị thì tiêm vắc xin là biện pháp chủ động và hiệu quả nhất.
Nhân viên phòng tiêm ngừa BV Quân y 175 niềm nở với bệnh nhân.
6 tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 300 nghìn liều vắc xin MMR cung ứng ra cầu thị trường và dự kiến mỗi năm sẽ cung ứng khoảng 800 nghìn đến 1 triệu liều vắc xin, góp phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa các loại vắc xin và bổ sung nguồn cung ứng vắc xin.
Trước nhu cầu phòng bệnh của người dân, ngày 25/8, BV Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng) đã chính thức thành lập Phòng tiêm chủng vắc xin dành cho người lớn lẫn trẻ em mang tên Potec 60.
Phòng tiêm chủng vắc xin của BV Quân y 175 ra đời góp phần đáp ứng nhu cầu phòng bệnh của người dân.
Đây là phòng tiêm đạt chuẩn, đầu tư chuyên môn sâu, có đầy đủ các chủng loại vắc xin như sởi, quai bị, rubella, viêm gan B, bạch cầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, lao... cho trẻ nhỏ hay ung thư cổ tử cung, sùi mào gà hậu môn, sinh dục cho người từ 9 tuổi trở lên.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 481 cơ sở tiêm chủng, chủ yếu là tiêm chủng mở rộng. 76 cơ sở tiêm chủng trong số này là ngoài công lập (chiếm 20 %). Dù vậy vẫn không đủ để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của 13 triệu dân.
"Với việc hợp tác và cho ra đời phòng tiêm chủng chất lượng cao POTEC 60, chúng tôi một lần nữa khẳng định mong muốn ngày một tốt hơn, hình thức phục vụ đa dạng hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn, đặc biệt là các cháu nhỏ. Đến nay, phòng tiêm đã hoàn thiện và đủ điều kiện phục vụ công tác tiêm chủng cho người dân trong khu vực" - Lãnh đạo BV Quân y 175 nói.