Căn bếp đẹp chuẩn phong cách tối giản Bắc Âu, "gọn gàng đến từng li" của chàng trai Việt ở Đức
Căn bếp ngăn nắp từ cách sắp xếp đến tinh tế từ cách trang trí cùng sự kết hợp khéo léo của việc bố trí nội thất và màu sắc đã khiến không gian nấu nướng của anh Tiến Trung "ghi điểm" đối với bất kỳ ai khi có dịp ngắm nhìn.
Sẽ nhiều người bất ngờ khi biết rằng, trước khi sở hữu căn bếp "gây nhung nhớ" như hiện tại, anh Nguyễn Tiến Trung mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, sắp xếp không gian.
Chàng trai 32 tuổi Nguyễn Tiến Trung từng học ngành quản trị kinh doanh và làm phân tích tài chính sau khi ra trường. Hiện tại, anh đang tự kinh doanh tại Đức. Anh chia sẻ: "Trước đây hầu như máy móc mình đều có thói quen để trên mặt bếp, gia vị thì để ở khu vực kệ, không có cánh cho tiện.
Tuy vậy, đồ đạc vật dụng trông khá lộn xộn và rất vướng, không lau mặt bếp thường xuyên được. Vì thế, mình quyết định cải tạo, sửa sang lại bếp theo phong cách tối giản, thay màu tủ từ màu beige thành màu ghi và mặt bếp màu nâu thành màu trắng. Ngoài ra mình còn soạn lại đồ đạc bên trong".
Anh Tiến Trung luôn yêu thích công việc thiết kế, nội thất nhà cửa. Trước đây anh có học một năm ngành kỹ sư xây dựng (civil engineering). Do ngành phải tính toán nhiều và không được học nhiều về thiết kế nên anh đã quyết định chuyển sang học quản trị kinh doanh. Tuy vậy, anh vẫn thường đọc sách báo và theo dõi các trang nội thất trên mạng xã hội và tự áp dụng trang trí, sắp xếp tổ ấm của mình.
Để nói về "cảm hứng" thiết kế, cải tạo căn bếp đẹp như hiện tại, anh Trung kể một lần đi du lịch ở Copenhagen, anh thấy rất bất ngờ vì ở đây nhà và cửa hàng nào cũng đẹp, mặc dù rất ít đồ bên trong. Người đi ngoài đường ăn mặc cũng vậy, rất đơn giản như quần jeans, giầy trắng, áo sơ mi và áo choàng thôi nhưng trông rất tinh tế và sang trọng.
Sau này anh mới biết Đan Mạch chính là trung tâm của Interior Design và lối sống tối giản Hygge. Và từ đó anh chọn cách trang trí tối giản Bắc Âu để decor nhà mình. Sau khi áp dụng lối sống tối giản, căn nhà không chỉ đẹp và gọn hơn mà anh còn luôn cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm vì không còn quá nhiều đồ không cần thiết như trước nữa. Nhận thấy những điều tích cực ấy, anh cũng mở một kênh youtube mang tên mình để chia sẻ kinh nghiệm về lối sống tối giản và cách trang trí nhà theo phong cách Bắc Âu.
Anh Tiến Trung cảm thấy khá may mắn vì ở Đức các phòng bếp thường rất nhỏ, các nhà trước đây của anh thường có bếp rộng từ 5 – 10m2. Bếp hiện tại có diện tích khoảng 18m2 đủ để người đàn ông đảm đang và tinh tế này có thể nấu ăn và làm phòng ăn. Anh chia bếp thành ba khu vực: khu vực nấu ăn, bàn ăn và ghế sofa.
Khu vực nấu ăn hình chữ L gồm tủ, mặt bếp, lò nướng, máy rửa bát và cả máy giặt vì ống nước của máy giặt ở trong bếp. Ngoài ra, bếp còn có tủ lạnh và tủ pantry ở góc riêng. Ban đầu anh thấy không tiện lắm vì phải đi hơi xa để lấy đồ ăn nhưng bây giờ đã quen và cảm thấy hài lòng. Với tủ pantry, anh rất thích vì bên trái đựng đồ ăn khô, bên phải là tủ lạnh đựng đồ ăn tươi nên tất cả đồ ăn đều được cất trữ gọn gàng ở cùng một khu vực.
Bàn ăn ở giữa bếp, nấu ăn xong có thể thuận tiện đặt lên bàn ăn hoặc có dịp gì làm nhiều đồ cũng dễ dàng dùng mặt bàn để chuẩn bị. Ngoài ra, anh Trung còn sử dụng bàn ăn làm bàn làm việc.
Khu vực cuối là ghế sofa cạnh cửa sổ. Khu này anh dùng để ngồi chơi, đọc sách. Lúc nấu ăn, con của anh cũng thường mang đồ chơi ra đây để vừa chơi vừa trò chuyện với bố.
Hệ tủ trên được anh Trung sử dụng để bát đĩa, cốc chén và gia vị. Tủ dưới để nồi niêu, xoong chảo, máy móc và các đồ để dọn rửa, làm vệ sinh trong nhà. Anh sắp xếp đồ theo cách để ít phải cúi nhất. Bát đĩa nặng nhất nên anh để tủ trên vì phù hợp với chiều cao. Ngăn dưới cùng của tủ này được để những đồ hay dùng nhất. Ngăn càng cao được để những đồ càng ít dùng hơn. Bát đĩa anh để ở tủ ngay trên máy rửa bát để việc cất bát đĩa được tiện lợi.
Nồi, chảo anh để ngăn tủ dưới ngay cạnh bếp vì sẽ không phải cúi nhiều và tiện hơn khi nấu nướng, vì đứng trước bếp có thể dễ dàng mở tủ lấy nồi ra được. Ngăn tủ dưới được anh sắp xếp tương tự ngăn tủ trên nhưng theo chiều ngược lại: ngăn trên cao của tủ dưới để những đồ hay dùng nhất và ngăn càng thấp thì để những đồ càng ít dùng.
Chủ nhân của căn bếp trong mơ bộc bạch: "Thực ra trước đây mình không phải gọn gàng hay chăm nấu ăn lắm. Năm vừa rồi vì dịch nên mình sống chậm lại và có nhiều thời gian hơn nên tìm hiểu nhiều về cách cải tạo, sắp xếp nhà cửa, nấu nướng…
Đồ ăn khô hay dùng mình thường cho vào các hộp đựng thủy tinh thay vì để trong các gói nilon có sẵn. Như vậy không chỉ đẹp hơn mà còn luôn biết được định lượng cần thiết. Ngoài ra, bát đĩa mình để ở ngăn tủ ngay trên máy rửa bát và nồi để ở ngăn tủ cạnh bếp. Như vậy bát đĩa rửa xong không phải mang đi xa và khi nấu có thể mở tủ ngay cạnh bếp ra để lấy nồi".
Không gian đẹp bắt mắt nhưng rất đỗi dịu dàng nhờ cách chọn lựa màu cùng với sự ngăn nắp trong sắp xếp đồ đạc của người đàn ông đảm đang.
Theo anh Tiến Trung, để có một căn bếp gọn gàng ngăn nắp, quan trọng nhất chính là loại bỏ những đồ không cần thiết và suy nghĩ thật kỹ trước khi mua một món đồ mới về nhà. Như vậy trong bếp không có đồ thừa. Hơn nữa, trên mặt bếp chỉ nên để đồ tối giản để vừa gọn vừa dễ lau chùi. Cuối cùng là tìm ra "nơi ở" cho từng món đồ và dùng xong đặt lại đúng chỗ cũ. Bạn chỉ cần lưu ý vài điểm đơn giản như vậy, thêm việc thật yêu căn bếp, không gian nấu nướng của gia đình bạn sẽ đẹp hơn, ấm hơn từng ngày.
Nguồn ảnh: NVCC