Căn hộ của gia đình chị Lan Anh đang sống có tổng diện tích khoảng 76m². Vì thế, bếp núc là nơi được sử dụng trong khoảng diện tích hạn chế với chiều ngang khoảng 5m và chiều sâu khoảng 1,6m. Khoảng diện tích có "chừng mực" ấy lại chính là nơi hiện thực hóa những mong muốn của chị về một tổ ấm đủ đầy, hạnh phúc.
Vì thế, bà mẹ trẻ ngay khi nhận nhà đã cố gắng tìm kiếm ý tưởng, vạch ra những mong muốn của bản thân, xem xét lại những thói quen sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình để tạo nên một căn bếp xinh xắn, hợp lý trong không gian khiêm tốn về diện tích này.
Chị Lan Anh hiện đang kinh doanh thời trang thiết kế. Ngoài công việc tại cửa hàng thời trang Mori Closet, chị yêu thích khi được tự tay chăm sóc gia đình, con cái, nấu nướng những món ăn ngon. Căn bếp luôn là nơi để chị thể hiện tay nghề nấu nướng, sự quan tâm đặc biệt đối với từng thành viên trong gia đình.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế bếp, chị Lan Anh cho biết: "Từ lâu, mình vốn thích phong cách Vintage hoặc Retro nhưng nhận thấy ở Việt Nam khá ít designer theo style này. Khi mình làm căn hộ này thì có tham khảo một số gợi ý từ Pinterest và ứng dụng thay đổi một chút để phù hợp với nhu cầu cá nhân và gia đình hơn".
Vì chồng chị là KTS nên những ý tưởng được chị đưa ra đều được anh hiện thực hóa bằng bản vẽ. Hai vợ chồng chỉ mất chút thời gian lựa chọn đơn vị thi công theo bản vẽ với các khu vực phân chia hợp lý. Chi phí cho toàn bộ bếp núc khoảng 45 triệu gồm các hệ tủ, kệ, hai hộc kéo đựng nồi - bát, một ray trượt đựng gia vị, mặt đá nhân tạo. Các thiết bị được mua riêng như bếp từ, máy hút mùi, bồn rửa chị mua combo 3 món khoảng 10 triệu đồng. Riêng máy rửa chén Bosch được mua khoảng 20 triệu đồng.
Bếp đẹp hơn khi có thêm đồ gia dụng cùng tone màu nhấn.
Các ngăn tủ phía dưới.
Theo kinh nghiệm của chị Lan Anh, để thiết kế bếp phù hợp với nhu cầu sử dụng cần lưu ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ như quy trình làm bếp của chị thường là lấy đồ trong tủ lạnh ra bên ngoài, sau đó rửa, sơ chế, chế biến, tiếp đến là soạn đồ ăn.
Vì thế, thiết kế bếp cũng dựa theo quy trình này. Chị để tủ lạnh ở ngoài cùng, tiếp theo là bồn rửa, rồi đến máy rửa chén, bếp từ, từ chỗ bếp từ phải tiện lấy chén bát nồi niêu... Cuối cùng là khu chữ L dành cho việc soạn đồ ăn.
Vì diện tích nhỏ nên chị Lan Anh cùng chồng thống nhất thiết kế phần bồn rửa và bếp từ trên cùng một mặt phẳng. Theo chị, với những căn bếp rộng hơn, hai phần này nên tách riêng.
Ở dưới bồn rửa được chị bố trí đặt một số chai lọ để phục vụ cho việc vệ sinh gia đình. Kế bên là máy rửa chén. Tiếp đến là bếp từ, hai hộc phía dưới sử dụng để bát chén, nồi niêu.
Phần bếp chữ L được chị Lan Anh sử dụng để tủ đựng gạo. Chị có chừa một ô trống để bỏ lò nướng âm nhưng vì chưa có nhu cầu nên hiện tại vẫn là nơi để bình nước siêu tốc.
Gia đình chị Lan Anh ít người, nhu cầu ăn uống khá đơn giản. Đó cũng là lý do bếp ít vật dụng, đồ dùng. Hơn nữa, chị thích bếp thoáng mát, rộng rãi nên luôn cố gắng sắp xếp đồ đạc gọn gàng nhất có thể.
Góc đựng đồ lặt vặt ngay cạnh bếp.
Chủ nhân của căn bếp màu xanh bạc hà xinh xắn chia sẻ thêm: "Mình nghĩ thiết kế bếp phải phù hợp với nhu cầu của người chủ bếp. Ví dụ nếu nhà bạn hay nấu ăn, nhiều đồ thì bạn nên đóng nhiều tủ để cất đồ hơn và chia thêm ngăn hợp lý, mua thêm các khay phụ kiện. Nếu nhu cầu đơn giản thì thậm chí không cần đóng hệ tủ trên. Chỉ cần hệ tủ dưới là đủ rồi. Mình thấy nhiều nhà không đóng kệ bếp sát trần nhưng theo mình thì dù không dùng đến cũng nên đóng kịch trần vì nếu chỉ đóng ngang lưng thì phía trên lại là nơi tích bụi, khá mất thời gian lau dọn, vệ sinh".
Để tiết kiệm diện tích cũng như giúp căn bếp luôn gọn gàng, một bí quyết nho nhỏ nữa được chị Lan Anh tiết lộ đó là chị không mua nhiều máy, vật dụng, chị chủ yếu chọn mua máy đa năng và tìm kích thước phù hợp với hộc tủ lưu trữ. Những đồ đạc lâu không dùng chị thường sẽ cho đi hoặc thanh lý. Với chị, có một căn bếp xinh chưa đủ, cần phải gọn gàng, ngăn nắp để có thêm thật nhiều cảm hứng và động lực để vào bếp mỗi ngày.