Bức ảnh cô gái bắc ghế rút tiền tại cây ATM gây sốt cộng đồng mạng

Mới đây trên nhiều trang mạng xã hội chia sẻ hình ảnh "dở khóc dở cười" khi một cô gái muốn rút tiền ở cây ATM đã phải dùng tới chiếc ghế cao khoảng nửa mét. Nhìn bức ảnh nhiều người cho rằng có lẽ bậc tam cấp trước cây rút tiền đã bị dỡ bỏ do vi phạm lấn chiếm vỉa hè.

Để chạm được tới bàn phím cây ATM trong khi bậc tam cấp dưới chân đã bị phá bỏ, cô gái với chiều cao khiêm tốn chỉ còn cách đứng lên ghế để thực hiện các thao tác rút tiền

Cận cảnh cây ATM trong bức ảnh gây bão MXH: cô gái bắc ghế rút tiền vì bậc thềm đã bị dỡ bỏ - Ảnh 1.

Hình ảnh cô gái đứng lên chiếc ghế cao rút tiền. Nguồn: Facebook.

Sau khi bức ảnh được đăng tải đã thu hút nhiều lượt chia sẻ và bình luận. "Hôm qua ra ngân hàng chỗ gần nhà mình, các bác bảo vệ còn xếp gạch chồng chất để đứng, nhìn buồn cười lắm. Mình hỏi bác xếp gạch như này đứng có sợ ngã không, bác bảo mọi người vẫn đứng bình thường", một facebook-er chia sẻ.

"Với nhiều người không với tới bàn phím cây ATM thì chỉ có cách đứng lên ghế như thế này thôi, mong đây chỉ là cách tạm bợ trong thời gian ngắn, chắc phía ngân hàng cũng cần can thiệp để người dân có cách rút tiền an toàn hơn", một người khác bày tỏ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, trạm ATM này được đặt tại ngân hàng Sacombank (chi nhánh đường Lê Đại Hành, quận 11, TP. HCM). Trạm ATM được gắn chặt vào tường, bên trái cửa ra vào của ngân hàng.

Bảo vệ ngân hàng Sacombank cho biết, bục gỗ này được ngân hàng đặt tại trạm ATM phục vụ khách rút tiền vì có nhiều người đứng không tới. Theo bảo vệ ngân hàng, trước đây trạm ATM này có bậc tam cấp được xây gắn liền với trạm nhưng trong đợt lập lại trật tự vỉa hè vừa qua cơ quan chức năng yêu cầu phá bỏ vì lấn chiếm vỉa hè.

Cận cảnh cây ATM trong bức ảnh gây bão MXH: cô gái bắc ghế rút tiền vì bậc thềm đã bị dỡ bỏ - Ảnh 2.

Nam thanh niên nếu đứng trên ghế rút tiền thì quá cao so với trạm ATM.

Sẽ có phương án để thiết kế lại trạm ATM cho phù hợp

Hiện tại ở trạm ATM này, chiếc ghế dùng để đứng lên rút tiền đã được thay thế bằng một bục gỗ cao khoảng 20cm.

"Bậc tam cấp mới bị phá bỏ mấy ngày nay, nhiều người không rút được tiền nên ngân hàng mới sắp xếp bục gỗ này. Hiện tại người của ngân hàng đã đến kiểm tra và sẽ có phương án thiết kế lại trạm cho phù hợp", một bảo vệ ngân hàng nói.

Qua quan sát, khoảng cách từ mặt đất đến màn hình rút tiền cao khoảng 1,5m. Trong khi đó chiếc ghế được cô gái đứng rút tiền là cao khoảng nửa mét. Chiếc ghế này được cho là của người phụ nữ bán nước sát bên trạm ATM.

Cận cảnh cây ATM trong bức ảnh gây bão MXH: cô gái bắc ghế rút tiền vì bậc thềm đã bị dỡ bỏ - Ảnh 3.

Bục gỗ cao khoảng 20cm được bố trí để người dân tới rút tiền.

Cận cảnh cây ATM trong bức ảnh gây bão MXH: cô gái bắc ghế rút tiền vì bậc thềm đã bị dỡ bỏ - Ảnh 4.

Một vị khách đứng lên bục gỗ để rút tiền.

Về những chuyện "dở khóc dở cười" liên quan đến bậc tam cấp của trạm ATM, người bán nước sát bên trạm cho biết nhiều người có chiều cao khiêm tốn phải khổ sở mới rút được tiền.

Khi được hỏi về một cô gái mặc áo đen trong bức ảnh đứng trên ghế rút tiền gây xôn xao trên mạng, người bán nước này xác nhận là có thật.

"Lúc đó đến đây rút tiền nhưng do đứng không tới nên cô ấy mới qua lấy cái ghế của tôi ngồi bán nước để đứng lên. Thật ra tôi thấy do cô ấy thấp hơn so với người bình thường nên mới mượn ghế đứng lên rút tiền", người bán nước chia sẻ.

Cận cảnh cây ATM trong bức ảnh gây bão MXH: cô gái bắc ghế rút tiền vì bậc thềm đã bị dỡ bỏ - Ảnh 5.

Cận cảnh cây ATM trong bức ảnh gây bão MXH: cô gái bắc ghế rút tiền vì bậc thềm đã bị dỡ bỏ - Ảnh 6.

Nhiều người dân không cần sử dụng bục gỗ vẫn có thể rút tiền như bình thường.

Theo người bán nước, trước đó cũng có nhiều người như cô gái áo đen (chủ yếu là phụ nữ) cũng mượn ghế đứng để rút tiền do bục gỗ của ngân hàng đặt tạm thời tại đây không đủ cao.

"Thậm chí có người phải đứng trên xe máy mới rút tiền được, nhìn cảnh đó dở khóc dở cười lắm. Tuy nhiên đa số mọi người đều đứng rút tiền không cần bục gỗ kia hay ghế gì đâu. Chỉ khi trời nắng chói vào màn hình không thấy mới đứng lên bục gỗ", người bán nước kể lại.