Ngày 19/11, công tác cứu hộ cứu nạn người mất tích tại Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế) bước vào giai đoạn nắn chỉnh sông suối, xếp rọ đá để đắp đập tạm ngăn nước đi vào hiện trường tìm kiếm giai đoạn 3. Thời tiết tại Rào Trăng trong sáng 19/11 trở nên nắng ráo, thuận lợi cho các khâu chuẩn bị về công tác tìm kiếm người mất tích nghi bị bê tông, đất đá vùi ở dưới lòng suối.
VIDEO: Cận cảnh hiện trường tìm kiếm tại Rào Trăng 3 và những khối bê tông "khủng" nghi vùi lấp nạn nhân.
Trong sáng nay, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn với quân số hơn 200 người đã chia thành 4 bộ phận để thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm: Bộ phận 6 xe cơ giới đào đắp, khơi thông dòng chảy; bộ phận lực lượng cán bộ, chiến sĩ tập kết vật liệu rọ đá, thu gom đá; bộ phận tổ chức tìm kiếm các nạn nhân; bộ phận cảnh giới, cắm mốc bảo đảm an toàn…
Đáng chú ý, tại khu vực khoanh vùng này hiện có các khối bê tông rất lớn theo đất đá sạt từ khu nhà điều hành dự án thủy điện Rào Trăng xuống nằm dưới lòng suối.
Theo thượng tá Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế, những khối đá nằm dưới lòng suối thuộc khu vực khoanh vùng tìm kiếm giai đoạn 3 ở Rào Trăng là nơi được nghi ngờ có thể có người bị vùi lấp phía dưới khi xảy ra vụ sạt lở đất rạng sáng 12/10.
Có mặt tại hiện trường cứu hộ, trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham Mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh TT-Huế cho biết, khó khăn nhất đối với lực lượng tìm kiếm là lưu tốc của dòng chảy trên sông Rào Trăng 3 rất lớn, với khoảng 15 đến 20m3/s.
Mặt khác, trước lúc lực lượng tìm kiếm chủ động rút về Sở chỉ huy tiền phương để trú tránh bão số 13, tại hiện trường đào nắn dòng chảy Rào Trăng đã hoàn thành khoảng 60% khối lượng công việc.
Tuy nhiên, sau bão 13, khi trở lại hiện trường để tái khởi động công tác cứu hộ, một khối lượng đất đá bồi lấp trở lại tuyến kênh đã đào múc để nắn chỉnh dòng Rào Trăng.
“Chúng tôi hiện tập trung lực lượng, phương tiện, máy móc tập trung đào nắn lại dòng chảy và tập kết đầy đủ các vật liệu để bảo đảm đắp đập phía thượng lưu”, trung tá Phan Thắng thông tin.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Trưởng Ban điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, việc triển khai đắp đập nắn dòng chảy hiện rất khó khăn do suối sâu, lòng suối rộng, nước chảy xiết, khối lượng đất đào đắp lớn, thời tiết nắng mưa thất thường.
Đơn vị sẽ huy động toàn lực phối hợp cùng lực lượng quân đội, công an, giao thông, dân sự… tranh thủ mọi thời gian để tổ chức tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, với quyết tâm sớm tìm được những người còn mất tích.
Trước đó, vào chiều 18/11, các lực lượng chức năng đã tổ chức tập kết xong toàn bộ rọ sắt dùng để xếp đá xuống dòng suối Rào Trăng, để sau đó bắt tay đắp đập nắn dòng chảy vào ngày 19/11.
Vùng hạ lưu dưới chân đập tạm là một trong những vị trí được đánh giá có khả năng cao các nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 hiện bị vùi lấp bên dưới.
Theo kế hoạch, việc ngăn đập nắn dòng Rào Trăng sẽ hoàn tất vào vài ngày tới. Sau đó, hoạt động cứu hộ cứu nạn sẽ chuyển qua giai đoạn đào bới cuốn chiếu, tìm kiếm ở khu vực dưới lòng suối, nơi có nhiều khối bê tông công trình rất lớn đang lộ diện.
Hình ảnh mới nhất về lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tập kết rọ sắt, đào nắn dòng chảy, tìm kiếm người mất tích trong giai đoạn 3 ở Rào Trăng: