Theo Ths. Đỗ Hoàng Nam - chuyên gia hóa học thuộc Viện Hóa học Việt Nam, sơn móng tay giá rẻ thường đậm đặc các chất như acetone, Ethyl acetate. Phthalate dibutyl, Formaldehyde. Các chất này gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kịnh trung ương, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Trong đó, Formadehyde dạng gel có khả năng gây ung thư, chất dibutyl phthalste có khả năng làm giảm khả năng sinh sản, gây ra rối loạn chuyển hóa tuyến sinh dục ở bé trai. Một số sơn có benzen có thể tác động đến niêm mạc gây đỏ rát mắt. Hơi của các chất này có thể gây chóng mặt buồn nôn và mệt mỏi.
"Nếu sử dụng trong thời gian dài, sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe của người tiêu dùng", Ths. Đỗ Hoàng Nam cho biết.
Sơn móng tay giá rẻ bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Lâm Anh
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, các sản phẩm sơn móng tay giá rẻ vẫn được bày bán tràn lan tại các khu chợ đầu mối, các cửa hàng nhỏ lẻ và các khu chợ giá rẻ.
Đơn cử tại chợ Đồng Xuân, những lọ móng tay không nhãn mác, giá siêu rẻ chỉ từ 2 nghìn cho đến 5 nghìn đồng/lo được đổ đống trong những chiếc thùng xốp.
Đáng chú ý, hàng nhái, hàng giả các thương hiệu lớn cũng được bày bán tại đây, với giá bán rẻ hơn hàng thật đến 7, 8 lần.
Đơn cử, một lọ sơn móng tay hàng chính hãng của thương hiệu Hàn Quốc 3CE có giá vào khoảng 150 nghìn đồng, nhưng tại đây, một lọ có giá chỉ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng.
Sơn móng tay giá rẻ thu hút khách bình dân. Ảnh: Lâm Anh
Quan sát của PV cho thấy, so với hàng thật, lọ sơn móng tay giả, nhái trông khá nhem nhuốc và cẩu thả về hình thức.
Bên cạnh đó, các sản phẩm hàng nhái, hàng Trung Quốc không giấy tờ, nhãn mác cũng len lỏi, được bày bán công khai trong các cửa hàng.
Tại một cửa hàng lớn trên phố Minh Khai ( Hà Nội ), tại đây, rất nhiều các loại sơn móng tay Trung Quốc được bày bán. Theo lời nhân viên bán hàng, thì đây là thương hiệu nội địa của Trung Quốc, được các cơ sở làm nail, salon đặt mua rất nhiều.
Một lọ sơn móng tay 3CE nhái được bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Lâm Anh
Một lọ sơn móng tay 3CE nhái được bày bán tại chợ Đồng Xuân. Ảnh: Lâm Anh
“Chúng tôi chủ yếu là bán buôn hoặc bán cho các cơ sở làm nail, sản phẩm này bán rất chạy do giá rẻ mà chất lượng cũng khá ổn”, nhân viên cửa hàng cho biết.
Tuy nhiên, khi hỏi đến giấy tờ của sản phẩm thì nhân viên cửa hàng trả lời rằng “không có”.
Khi hỏi đến sơn móng tay OPI - một thương hiệu nổi tiếng của Nhật - đang được bày bán tại đây, nhân viên cửa hàng cũng thẳng thắn đây là hàng Fake và nhập từ Trung Quốc.
Chia sẻ với PV, chị Hồng Mai (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Mặc dù biết rằng sơn móng tay giá rẻ có độc hại, nhưng do chưa thấy vụ việc nào nghiêm trọng liên quan đến sản phẩm này nên tôi vẫn thường xuyên mua về để 2 mẹ con cùng sơn chơi”.
Sơn móng tay nhái O.P.I "made in Trung Quốc' bày bán trong cửa hàng. Ảnh: Lâm Anh
Chị Hồng Mai cho biết thêm, do các sản phẩm hàng xịn giá khá cao, từ 150 đến lên tới 700 nghìn đồng/lọ nên do điều kiện tài chính, chị không sẵn sàng bỏ tiền ra mua. “Vì thế, sơn móng tay giá rẻ là sự lựa chọn tốt nhất”.
Tuy vậy, vẫn có nhiều khách hàng băn khoăn, lo lắng trước tác hại của các lọ sơn móng tay giá rẻ mà không dám thường xuyên mua.
Đơn cử, chị Thương Giang (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi rất băn khoăn về các chất hóa học có trong các sản phẩm sơn móng tay, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ được bày bán tràn lan, không nhãn mác ở các khu chợ, thậm chí là cả các sản phẩm chính hãng có giá đắt đỏ. Từ trước đến nay tôi vẫn thường dùng sơn móng tay, vẫn đọc báo thấy các chuyên gia bảo độc hại, nhưng tôi vẫn chưa thực sự rõ trong các lọ sơn móng tay đang bán trên thị trường có những chất gì, thực sự độc hại hay không nguy hại ra sao”.
Trước thực trạng đó, được biết, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành khảo sát thị trường và lấy mẫu khăn ướt để kiểm nghiệm.
Các sản phẩm được thu thập từ những khu chợ, cửa hàng chính hãng và siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Một số địa điểm có thể kể đến như chợ Đồng Xuân, một số hãng mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc, siêu thị Big C…
Khoảng 30 mẫu sơn móng tay sẽ được tiến hành kiểm nghiệm tại phòng Kiểm nghiệm sản phẩm hàng hóa - Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng.