Nằm trong Vùng lõm Danakil (tên tiếng Anh là Afar Depression) ở Afar, phía Đông Bắc Ethiopia, Erta Ale là một trong những nơi khô hạn nhất, thấp nhất, nóng nhất, khắc nghiệt nhất trên Trái đất. Nhiệt độ trong dao động từ 25 - 47 độ C. Khu vực này quanh năm phải chịu cảnh hạn hán, khô cằn và có rất ít đường giao thông.
Tuy nhiên, điều khiến Erta Ale trở nên nổi tiếng chính là ngọn núi lửa có cùng tên gọi.
Được người Afar gọi là ngọn núi "hút thuốc" hay "cánh cửa vào địa ngục", Erta Ale là một ngọn núi lửa hình lá chắn bazan đang hoạt động liên tục ở độ cao 612m.
Đây là một trong số ít các núi lửa hoạt động liên tục trên thế giới và là "thành viên" của một nhóm núi lửa đặc biệt hơn nữa: núi lửa có hồ dung nham. Trên cả Trái đất, chỉ 5 ngọn núi lửa có hồ dung nham. Và Erta Ale thường có tới 2 hồ dung nham đang hoạt động - khiến nó trở thành một địa điểm vô cùng độc đáo.
Lòng chảo Danakil - Vùng đất khắc nghiệt đến đáng sợ
Với diện tích bao phủ một vùng rộng lớn khoảng 100.000km2, vùng lõm Danakil (hay còn gọi Lòng chảo Danakil) là vùng có địa hình khô cằn bậc nhất thế giới. Tạp chí National Geographic (Mỹ) đã miêu tả vùng đất này là "nơi khắc nghiệt nhất Trái đất".
Nhà thám hiểm người Anh Wilfred Thesiger cũng từng mô tả Danakil là "vùng đất chết".
Vùng lõm Danakil (Danakil Depression) thuộc sa mạc Danakil ở Ethiopia - một quốc gia thuộc châu Phi, được xem là nơi nóng nhất thế giới.
Sa mạc Danakil thuộc vùng Tam giác Afar, bao gồm Đông Bắc Ethiopia, phía Nam Eritrea, Djibouti và Tây Bắc Somalia. Nơi đây thấp hơn mực nước biển khoảng 100 mét, chứa nhiều đá đỏ, quặng lưu huỳnh và cả các muối. Các nhà địa chất học cho rằng những mỏ muối ấy được tạo nên từ những trận lũ gần Biển Đỏ tràn vào.
Người Afar là cư dân chính ở vùng lõm Danakil. Người dân lấy nghề khai thác muối để kiếm kế sinh nhai. Họ sử dụng phương pháp và công cụ truyền thống như cuốc, dây thừng để khai thác muối. Sau đó, họ cắt, đóng gói và chuyên chở muối ra khỏi sa mạc bằng lạc đà. Đây được xem là công việc nguy hiểm vì nhiệt độ cao có thể gây tử vong. Thậm chí, có những trận động đất xảy ra làm lở đất và nuốt chửng cả những con lạc đà chuyên làm nhiệm vụ chở muối.
Thời tiết khắc nghiệt, cuộc sống khó khăn là vậy nhưng vùng đất này lại sở hữu vẻ đẹp kỳ lạ, đầy ấn tượng.
Hình ảnh ở vùng lõm Danakil.
Cánh cổng đi vào địa ngục
Hồ dung nham trên miệng núi lửa Erta Ale, ở vùng lõm Danakil, luôn có nhiệt độ vượt quá 1.100 độ C. Hồ dung nham này được phát hiện từ năm 1906 và đến nay nó chưa có dấu hiệu dừng lại. Mỗi khi dung nham trào lên, miệng hồ lại tỏa sáng khiến nhiều người gọi ngọn núi Erta Ale là núi “hút thuốc”.
Ngọn núi lửa này từng phun trào vào các năm 1873, 1903, 1940, 1960, 1967 và 2005, giết chết hàng trăm con gia súc và buộc hàng nghìn người phải di tản. Năm 2007, dòng dung nham một lần nữa buộc người dân địa phương phải sơ tán.
Bất chấp điều kiện khắc nghiệt, nguy cơ núi lửa phun trào và cái nóng khắc nghiệt, Erta Ale đã trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch. Vào năm 2002, khu vực này chỉ có thể đến được bằng máy bay trực thăng, ngày nay các nhóm du lịch mạo hiểm vẫn tự tìm đường đến bằng ô tô.
Nhiếp ảnh gia Santos, người từng chụp ảnh miệng núi lửa Erta Ale bằng máy bay không người lái, cho biết: "Miệng núi lửa Erta Ale luôn hoạt động, dung nham luôn trào lên xuống và có thể tràn bất kỳ lúc nào. Đó là điều nguy hiểm nhất. Bạn cứ nghĩ mảnh đất bạn đang đứng rất chắc chắn. Không đâu, dung nham cực nóng và nó có thể làm tan cả đất bất kỳ lúc nào".
Nguồn: Tổng hợp