Ở thời phong kiến xưa, những người được chọn làm vợ vua hầu hết đều xuất thân từ gia đình cao quý, con cháu quan lại. Tuy nhiên một số vị Hoàng đế lại thích đi theo lựa chọn của con tim thay vì những luật lệ hà khắc.
Nếu nàng Ngụy Anh Lạc (tức Lệnh Hoàng quý phi thời nhà Thanh) xuất thân từ tầng lớp nô bộc, thấp kém nhưng sau này vào cung lại được Càn Long ân sủng, có vị thế và uy quyền chốn hậu cung thì thời vua Lê ở Việt Nam cũng nổi tiếng với hai vị Hoàng phi như thế.
Từ nô bộc trở thành Hoàng phi rồi một bước lên Hoàng thái hậu
Lê Hiến Tông, là vị Hoàng đế thứ sáu của nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi tổng cộng 7 năm, từ năm 1497 đến năm 1504.
Về đời tư, Lê Hiến Tông có nhiều phi tần nhưng ông không lập ai làm Hoàng hậu, sử sách chỉ nhắc đến năm người vợ chính là Chính phi Nguyễn Thị Hoàn, người làng Bình Lăng, huyện Thiên Thi (nay là huyện Ân Thi, Hưng Yên). Bà là mẹ đẻ vua Lê Túc Tông, sau được phong làm Trang Thuận hoàng thái hậu.
Người thứ hai là Chiêu Nhân phi Nguyễn Thị Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Phù Chẩn, xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Bà là mẹ đẻ của vua Lê Uy Mục, sau được truy phong làm Chiêu Nhân hoàng thái hậu.
Người thứ ba là Kính phi Nguyễn Thị (không rõ tên), người xã Hoa Lăng, huyện Thủy Đường (nay là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Người thứ tư là Quý phi Mai Ngọc Đỉnh, quê ở xã Biện Hạ, huyện Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa) và người thứ năm là Quý phi họ Bùi (không rõ tên). Bà quê ở xã Định Công, huyện Thanh Trì (nay là phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Chuyện bà phi Nguyễn Thị Cận trở thành vợ của một vị vua nổi tiếng triều Lê là một trường hợp hi hữu đặc biệt. Bà vốn mồ côi, nghèo khổ phải đi làm người ở, sau bị bắt làm nô tì phục dịch trong cung. Vì có sắc đẹp mà bà được vua Lê Hiến Tông lấy làm vợ, phong làm phi.
Truyền tụng tại quê của bà cho hay, Nguyễn Thị Cận sinh ra trong gia đình nghèo, làm nghề đánh bắt cá ở các ao hồ tại làng Phù Chẩn để kiếm sống.
Tranh minh họa
Cha bà mất sớm, người mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn. Một lần đánh được con cá to để lại cho con ăn chứ không bán cho lý trưởng. Từ đó bà bị lý trưởng thù ghét tìm cách hãm hại khiến người mẹ cùng quẫn phải bán con gái đi làm người ở cho một gia đình giàu ở kinh thành Thăng Long.
Năm Nguyễn Thị Cận mười bảy tuổi thì nhà chủ mắc tội, tài sản bị sung công, tất cả người hầu cũng bị đưa vào cung làm nô tì. Nguyễn Thị Cận được đưa đến cung Quản Ninh (tức cung Vĩnh Ninh) để hầu hạ Quý phi Nguyễn Thị Hằng.
Một lần Thái tử Lê Tranh (vua Lê Hiến Tông sau này) vào cung Quản Ninh thăm mẹ, tình cờ thấy cô nô tì Nguyễn Thị Cận xinh đẹp đoan trang mới đem lòng yêu mến, sau đó xin mẹ cho lấy về làm vợ.
Do vai trò không lớn, lại mất khi còn trẻ nên những ghi chép về Nguyễn Thị Cận trong sách sử không nhiều, sách "Đại Việt sử ký toàn thư" cho biết về bà như sau:
"Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn Thị, húy là Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, lúc bé mồ côi cha, nhà nghèo, tự bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên. Sau nhà ấy có tội, Nguyễn thị bị tịch thu sung làm nô tỳ, do đó được vào hầu Quản Ninh hoàng hậu. Khi Hiến Tông còn làm thái tử, thấy có sắc đẹp thì ưa, lấy về làm phi".
Cuốn "Đại Việt thông sử" của Lê Quý Đôn cũng ghi chép tương tự và cho biết bà sinh con xong thì mất, vì thế sau khi lên ngôi không lâu, vào tháng 2 năm Ất Sửu (1505) vua Lê Uy Mục đã truy tôn mẹ là Chiêu Nhân Hoằng Ý hoàng thái hậu, đến tháng 3 thì đưa bài vị của bà vào thờ ở nhà Thái Miếu và cung Minh Đức. Tháng 4 cùng năm vua sai dựng điện Chân Nguyên và Thụy Bảo đường ở quê ngoại là làng Phù Chẩn để thờ tổ tiên của mẹ.
Nguyên do bà phi Nguyễn Thị Cận mất không được sách sử đề cập đến, còn tác giả Lưu Văn Khuê trong cuốn tiểu thuyết lịch sử có tên "Mạc Đăng Dung" đã có đoạn viết hư cấu rằng: "Chuyện Chiêu phi, mẹ của Uy vương Tuấn triều đình ai cũng biết".
Sau khi Chiêu phi Nguyễn Thị Cận qua đời, thi hài bà được đưa về an táng tại quê nhà. Theo sách "Các di tích lịch sử văn hóa Bắc Ninh" thì tại thôn Rích Gạo (xã Phù Chẩn, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) hiện vẫn còn lăng mộ bà hoàng này ở ngoài đồng trước làng và tấm bia đá dựng thời Minh Mạng có khắc chữ lớn "Lê triều Uy Mục Hoàng đế lăng", còn những chữ khác trên bia đã mờ hết không đọc được.
Người dân địa phương còn kể rằng ngôi chùa Hưng Giao ở Rích Gạo hiện nay vốn được xây trên nền cũ của đền thờ bà hoàng Nguyễn Thị Cận được dựng từ thời Lê Uy Mục, trong chùa vẫn còn ban thờ bà và vua.
Dã sử thì cho biết rằng, trước khi mất, Chiêu phi Nguyễn Thị Cận đã sai nữ tì gọi một người chị em thân thiết trong cung là Kính phi Nguyễn Thị đến nắm lấy tay khóc, nói lời trăng trối nhờ chăm sóc con mình chu đáo.
Từ đó Kính phi trở thành mẹ nuôi của Hoàng tử Lê Tuấn và chính bà có công lớn đưa người con nuôi của mình lên ngôi Hoàng đế.
Trúng sét ái tình từ thời thanh mai trúc mã, quyết rước nàng về làm vợ dù thân phận có chênh lệch thế nào
Lê Uy Mục tên húy là Lê Tuấn, đôi khi còn gọi là Mẫn Lệ Công, là vị Hoàng đế thứ tám của nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông được xem là một vị Hoàng đế tàn bạo và hoang dâm, nổi tiếng là bạo chúa, người đời gọi là Quỷ vương. Thế nhưng ông lại có một mối tình ồn ào với một nô tì có tên Lê thị.
Ảnh minh họa
Lê phi người xã Sa Lung, châu Minh Linh (nay là vùng hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), có thuyết không rõ nguồn cho rằng bà tên Lê Thị Thanh. Theo Đại Việt thông sử và Ô Châu cận lục đều ghi nhận, Lê phi ban đầu vốn là quan tì, tức là nô tì phục vụ cho triều đình vì gia đình bị tội.
Theo các sách sử, Lê phi khi còn là quan tì đã theo học cùng một thầy với Hoàng tử Lê Tuấn, chính là vị vua Lê Uy Mục tương lai. Điều này mới dấy lên nghi ngờ thân phận của bà vì nếu là nô tì với thân phận thấp hèn, bà khó có thể đi học chữ, mà lại là học cùng với một hoàng tử. Dù Lê Tuấn tuy là hoàng tử nhưng do thân phận của mẹ mình nên rất không được bà nội (Trường Lạc hoàng hậu) yêu quý.
Lê Tuấn vừa nhìn thấy Lê thị thì rất ưng. Sách Ô Châu cận lục chép một chuyện như sau: "Vương thấy bà lấy làm vừa ý, hai bên trở nên quyến luyến nhau. Một hôm, vương dùng chân khèo chân bà, khi về bà đem chuyện ấy kể lại với sư mẫu, sư mẫu nói rằng: 'Vậy là vương thử lòng con, sau này nếu con thấy vương làm như thế thì dùng hai tay che chân của vương lại để tỏ ý thân'. Hôm sau bà làm đúng như kế của sư mẫu đã bày, vương rất vừa lòng, từ đó về sau không cố ý chọc ghẹo nữa. Riêng bà cũng giữ kín mối tình đẹp chẳng hề lộ ra".
Về sau, khi Lê Túc Tông qua đời, hoàng tử Lê Tuấn lên kế vị, sử gọi Lê Uy Mục. Hoàng đế sau đó cho đón bà vào cung, phong làm bậc Phi. Theo Đại Việt thông sử lẫn Ô Châu cận lục, Lê phi vừa có sắc lại vừa có trí, chiếm mọi sự sủng ái của Uy Mục Đế. Cả nhà bà cũng theo đó hiển quý, anh trai bà là Ông Phủ họ Lê (nhất thuyết tên Lê Viết Đáo) được phong Hiệu lệnh Xá nhân Tư mã chỉ huy sứ, sau làm Cai tri bản châu Minh Linh. Do giỏi ứng xử công việc nên được phong tước Tấn Trung tử. Có người em trai làm Kinh lược sứ, chuyên lo việc khẩn hoang lập làng mới.
Tổng hợp