Từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiếp nhận gần 100 ca viêm não, trong đó có 2 ca viêm não Nhật Bản và khoảng 10 ca tay chân miệng.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viêm não Nhật Bản thường gia tăng trong những ngày hè nắng nóng. Đây là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (khoảng 25-35%). Nếu người bệnh qua khỏi cũng có thể để lại di chứng nặng nề, như: Rối loạn tâm thần, rối loạn vận động… Hầu hết các ca bệnh nhập viện đều do không tiêm vắc-xin hoặc tiêm không đầy đủ.
Tương tự, vào những ngày nắng nóng, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) đã khám ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhi/ngày, trong đó có 10-15 trẻ phải nhập viện với các bệnh: Viêm phổi, tay chân miệng, ho gà, bệnh lý về tiêu hóa…
Ghi nhận tại các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc ngành Y tế Thủ đô trong 5 tháng đầu năm 2020 cho thấy, toàn thành phố có 14 ca sởi, 26 ca tay chân miệng, 5 ca ho gà, 2 ca não mô cầu… nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi trẻ ốm, sốt, nhiều phụ huynh cho con uống hạ sốt và vẫn cho con đi học bình thường. Khi mắc bệnh truyền nhiễm, nếu trẻ không được cách ly kịp thời, tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Có những phụ huynh không cần cặp nhiệt độ, không biết chính xác con sốt bao nhiêu độ, nhưng chỉ cần thấy đầu, cơ thể con bị nóng lập tức cho uống hạ sốt. Sai lầm này khiến trẻ nhập viện khi bệnh đã nặng.
Do đó, khi thấy trẻ sốt cao không hạ, ăn uống kém... phải đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, tuyệt đối không tự ý điều trị.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, so với cùng kỳ năm 2019, các bệnh truyền nhiễm ở trẻ được ghi nhận đến thời điểm này đều giảm mạnh. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến tháng 10 là mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm. Do đó, các đơn vị được giao nhiệm vụ trong ngành Y tế cần thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý ổ dịch một cách kịp thời. Mặt khác, cần tổ chức tốt công tác tiêm chủng để phòng các dịch bệnh truyền nhiễm, cung ứng đủ số lượng vắc xin, rà soát đối tượng tiêm bù, tiêm vét.
Việc cần làm để phòng bệnh cho trẻ vào mùa hè
Để phòng bệnh cho trẻ vào mùa hè để phòng tránh bệnh tật, đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi khi hệ miễn dịch còn non yếu, cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ theo đúng lịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Làm tốt công tác vệ sinh sạch sẽ nơi ở, ăn chín uống sôi, thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa hè là cách tốt nhất để phòng ngừa các rối loạn tiêu hóa, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột.
Mùa hè, thời tiết nắng nóng, mồ hôi tiết ra nhiều khiến cơ thể mất đi lượng lớn nước. Vì thế, cần uống đủ nước khi làm việc hay đi học, nhớ đội nón, đội mũ rộng vành... để không bị say nắng.
Tuyệt đối không uống nhiều nước đá, không ăn những thức quá lạnh. Không để quạt điện xối thẳng vào người, nhất là trẻ nhỏ vì trẻ dễ bị cảm lạnh, càng không nên bật quạt, đi nằm sau khi vừa tắm xong.