Có cha là một kiến trúc sư, bản thân say mê nhiếp ảnh và decor, chị Bách Kim (Hà Nội) chia sẻ về sở thích trang trí nhà cửa tốn kém của mình rằng: “Bởi nhà là nơi đâu tiên con trẻ được học hỏi và cảm nhận về cái Đẹp trước khi bước ra cuộc đời”.

Căn nhà ngập sắc hương ngày Tết của bà mẹ không ngại chi tiền để con yêu Tết và yêu cái “Đẹp” - Ảnh 1.

Căn hộ nhà chị Bách Kim rộng chừng 150m2 nằm trên tầng 26 của một tòa chung cư. Ngay từ cửa vào, chủ nhà đã định dạng vẻ ngoài nhà mình không thể trộn lẫn với các căn hộ xung quanh. Một dải đèn lồng đỏ vắt ngang rủ xuống với một bên treo chữ Phúc, một bên treo chiếc mẹt tre có chữ Xuân 2020 được gắn những cành hoa phớt hồng. Tất cả khơi gợi một không gian đầy mùi Tết, hương Tết phía sau cánh cửa.

Và vượt ngoài sự hình dung lẫn niềm háo hức của khách ghé thăm, cả một bức tranh nghênh xuân sáng bừng hiện ra ở hành lang.

Chưa hết, trên mặt tủ giày bên góc phải còn là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt do chính chủ nhà tự tay bày biện. Bức tranh sơn dầu hình nguyệt vẽ hai con của chị Bách Kim nổi bật giữa hai tràng pháo đỏ, bên cạnh là chiếc bình gốm màu lục nhạt cắm đôi cành lựu toát lên vẻ cao sang quyền quý đối lập với màu xanh lá dân dã của dưa hấu và bánh chưng.

Dăm ba củ tỏi điểm xuyết phụ họa cho trái đào vàng đồng in chữ Phúc. 5 chú chuột đá chầu về một cành hoa. Xung quanh là vài món đồ phong thủy như tượng kỳ lân nhỏ màu đen, tượng Quan Công chạm khắc tinh xảo… Những món đồ cứ ngỡ chẳng mấy liên quan được bài trí cạnh nhau hồ như đầy ngẫu hứng, không theo một nguyên tắc decor nào, không theo hot trend nhà đẹp nào và cũng không bắt gặp ở bất kỳ đâu.

Căn nhà ngập sắc hương ngày Tết của bà mẹ không ngại chi tiền để con yêu Tết và yêu cái “Đẹp” - Ảnh 2.

Màu ngà của nón lá, màu vàng nhạt của bó ngô, màu đỏ rói của cành lựu, màu đỏ rượu của chùm táo, màu hồng của hoa đào, màu vàng thắm của chim én, những gam sắc rực rỡ của đèn lồng Hội An… tất cả được mix vào nhau hòa quyện và sống động đến kinh ngạc. 

Khách đi vào nhà, trên đầu là đèn lồng lung linh đủ màu, dưới chân là thảm lục bình êm ái, hai chậu cúc mâm xôi được bọc tấm áo cói tinh tế dẫn lối vào không gian rộng rãi thênh thang bên trong, nơi sinh hoạt chính của gia đình.

Vẫn là những góc nhỏ ngập trong sắc hương mùa xuân. Chiếc đàn piano được thay tấm phủ mới lạ mắt. Chị Bách Kim tự tay ra chợ mua tấm vải họa tiết chăn con công rồi đính vào những chùm tua rua màu xanh ngọc. Trên mặt đàn lại tiếp tục là những món đồ handmade với bánh chưng, dưa hấu, quang gánh, chùm ngô, bó lúa... sắp đặt đầy duy mỹ. 

Cành đào nở sớm đã được mang về nhà cắm trong bình gốm màu lá sen đặt trên chiếc đôn đồng họa tiết. Dưới chân đàn lại là một mảng decor khác: Bức tranh sơn dầu hoa cải ven sông hòa trong sương mờ buổi sớm đông đặt bên cạnh bó lúa mạch màu xanh khói và giỏ cói đựng những món đồ quê kiểng.

Căn nhà ngập sắc hương ngày Tết của bà mẹ không ngại chi tiền để con yêu Tết và yêu cái “Đẹp” - Ảnh 3.

Bàn ăn cũng đã thay khăn trải bàn là tấm vải đỏ vẽ tay bức Đám cưới chuột. Một bình hoa được cắm theo phong cách Ikebana Nhật Bản với vài cành lay ơn hồng phấn còn thừa lấy từ bó hoa cũ. Ngồi nhấm nháp miếng mứt gừng, nhấp ngụm trà thơm, khách không khỏi bâng khuâng vì sắc hoa, sắc Tết hòa trong thoang thoảng hương vỏ hăng hăng ngòn ngọt của cây quất xum xuê đặt chéo góc bên.

Phía phòng khách, gối tựa đã thay áo bọc hoa đào, cùng với ba bức tranh Đông Hồ nổi bật giữa mảng đen của bộ salon da cỡ lớn và kệ sách cao kịch trần, phả sinh khí của năm mới ra khắp không gian.

Căn nhà ngập sắc hương ngày Tết của bà mẹ không ngại chi tiền để con yêu Tết và yêu cái “Đẹp” - Ảnh 4.

Dù tự tay sáng tạo, bày biện nhưng chị Bách Kim thừa nhận số tiền để mua sắm các đồ decor không rẻ chút nào. Cứ thấy món gì hay hay, độc lạ khiến chị nảy ra ý tưởng trang trí nhà cửa là chị nhặt nhạnh mang về. Tốn kém nhưng với chị là cần thiết, miễn là trong khả năng của mình, bởi các con không chỉ “ăn Tết” mà còn được chơi Tết, thưởng Tết. 

Hai con chị Bách Kim dù chưa đầy 4 tuổi nhưng đã biết “ngắm” nhà từ nhỏ. Chưa bao giờ các con nghịch, phá những góc decor trong nhà vì biết đó không phải đồ chơi, và vì… quá đẹp. “Tôi rèn cho các con phân biệt thứ để chơi và thứ không phải để chơi từ khi mới biết bò. Hơn nữa, khi tôi trang trí nhà, tôi luôn nói chuyện với các con, để các con hiểu rằng mẹ kỳ công làm ra là để cả nhà được thưởng thức cái đẹp. Đã là cái đẹp thì ai cũng phải biết nhẹ nhàng, nâng niu, ngắm nghía”, chị Bách Kim tâm sự.

Với chị, trang trí nhà cửa không chỉ là thú vui mà còn là một công việc của một người mẹ. Cầu toàn và duy mỹ, chị muốn các con phải được chú trọng trau dồi thẩm mỹ từ sớm. Nên bốn mùa xuân hạ thu đông là chừng ấy lần chị thay áo cho căn nhà của mình. Chưa kể các dịp lễ Tết như Trung thu, Giáng sinh và Tết cổ truyền.

Căn nhà ngập sắc hương ngày Tết của bà mẹ không ngại chi tiền để con yêu Tết và yêu cái “Đẹp” - Ảnh 5.


Nhiều người thấy chị say sưa decor quanh năm suốt tháng thì vừa ngạc nhiên vừa kêu than, nhưng chị Bách Kim cho hay, không việc gì đem lại nhiều ích lợi hơn thế. Mẹ mày mò sáng tạo thì con cũng được tập tành với kéo với giấy, cắt cắt dán dán, phát triển sự khéo léo của đôi tay. 

Chưa kể, khi phải suy nghĩ làm cách nào với từng món đồ decor mang về, với những tấm vải, mớ hoa, hay một nhành cây khô lạ mắt thì cũng là lúc chị thấy tư duy của mình được rèn giũa, trở nên minh mẫn, sáng suốt và tươi trẻ hơn. “Bạn có thấy trẻ con rất thích được đi chơi resort, được ở khách sạn không? Vì chúng thấy những chốn đó rất đẹp. Thế thì tại sao mình không biến căn nhà của mình thành một chốn đẹp như thế và hơn thế nếu mình có khả năng?”.

Chị Bách Kim chia sẻ, khi chuyển tới căn hộ này, thay vì đập phá sửa chữa lại theo nhu cầu cá nhân như nhiều gia đình khác thì chị giữ nguyên trạng kết cấu công năng. Chị quan niệm, chỉ cần khéo léo cố định, chia nhỏ không gian bằng cách sắp đặt đồ đạc là ổn thỏa cả. Quả thực, lối bài trí đơn giản, hợp lý, tạo sự kết nối, đồng bộ và đồng điệu giữa các không gian trong căn hộ cho thấy sự khéo léo, tinh tế và óc thẩm mỹ độc đáo của gia chủ.

Phòng khách và bếp ăn trải dài trên một mặt bằng mà vẫn độc lập nhờ khoảng nghỉ của khu vực thờ cúng, bàn ăn và chiếc bàn piano xếp dọc một trục thẳng. Vì nhà có trẻ con nên đồ đạc đều được đẩy về sát tường, tạo diện tích tối đa, thoáng đãng và tối giản nhất cho các con thoải mái nô đùa. 

Căn nhà ngập sắc hương ngày Tết của bà mẹ không ngại chi tiền để con yêu Tết và yêu cái “Đẹp” - Ảnh 6.

Ngược lại, khu vực bếp lại ăm ắp đồ, đúng chuẩn một bà mẹ bỉm sữa yêu bếp núc. Các giá kệ đều thiết kế cao kịch trần, tối ưu hóa khả năng lưu trữ. Tuy vậy, những hộp lọ đựng bày biện la liệt mà vẫn ngăn nắp, chỉn chu. Chị Bách Kim không quên đặt bên bồn rửa hai chậu cây xanh và bình lựu đỏ làm dịu mắt. Tất nhiên vẫn phải là một chiếc mẹt decor ngày Tết để sưởi ấm gian bếp ngày cuối năm.

Cha chị Bách Kim là kiến trúc sư nên từ nhỏ chị đã tiếp xúc với các tạp chí sách báo về kiến trúc, nội thất. Đam mê với decor ngấm vào máu. Bởi vậy, việc trang trí, sắp đặt nhà cửa của chị không bao giờ sao chép từ các xu thế, phong cách nhà cửa trên mạng. “Tuy vậy, mỗi năm có một xu thế nội thất khác nhau và thị trường lại ra những mẫu mã decor theo phong cách đó. Việc của mình là làm thế nào để mẫu decor ấy hòa hợp với căn nhà của mình, chứ không phải áp nhà mình đi theo “hot trend”, chị Bách Kim tiết lộ.

Nhận mình là người phụ nữ hiện đại có sở thích với cái đẹp truyền thống, chị Bách Kim thường biến tấu những gì rất “quê”, rất mộc, rất xưa cũ thành những món trang trí đầy tươi mới và sang trọng trong nhà. Như tấm vải chăn con công phủ cây đàn piano, như chiếc chiếu cói lót ghế đàn, như bắp ngô củ khoai củ lạc rải vào mỗi góc decor. Với chị, nhà đẹp không nhất định phải xa xỉ, mà cốt yếu ba yếu tố: Sự hợp lý, hơi thở của sinh hoạt và cái gu của gia chủ. 

“Trang trí nhà cửa rất vô cùng bởi mỗi người có một tính cách riêng. Nhưng tôi nghĩ, đặt chân vào một ngôi nhà, dù sang trọng đến đâu, đồ đạc xịn cỡ nào mà không có hồn thì cũng không ai muốn quay lại. Ngược lại, có những căn nhà rất bình dị thôi nhưng có sự chăm chút của người phụ nữ từ những điều nhỏ nhặt nhất, như cái khăn trải bàn hay cái dép đi trong nhà thì đó nhất định là một căn nhà đẹp”.

Căn nhà của chị Bách Kim hẳn là một căn nhà như thế. Không gian ngập màu Tết và mùi Tết này không toát lên sự xa hoa, nhưng ấm cúng và sang trọng. Và điều giữ chân khách lưu luyến cả chiều không nỡ rời không phải những góc decor cầu kỳ mà lại là đĩa mứt gừng bên tách trà cuối năm. Cả mứt cả trà đều do tay người chủ gian bếp ăm ắp đồ đạc và đượm lửa kia tự tay sao nấu.