Chào bác sĩ, em đang rất lo lắng về tình trạng sức khỏe sinh sản của mình như sau. Em mang thai bé thứ nhất đến tháng thứ 7 thì cạn ối dần. Đến tháng thứ 8 thì không giữ được em bé vì hết ối, bác sĩ phải cho bé ra. Em rất sợ lần mang thai tiếp theo lại bị như vậy. Bác sĩ cho em hỏi nếu mang thai lần sau thì em phải làm gì hoặc ăn uống như thế nào để không gặp tình trạng như trên. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn! (T. Thảo)

Trả lời:

Bạn T. Thảo thân mến!

Trước hết, xin được chia sẻ nỗi lo lắng và những nỗi buồn mà bạn và gia đình đã trải qua trong thời gian qua, khi bạn không giữ được em bé. Nước ối là môi trường dưỡng chất ở thể lỏng, chứa trong buồng ối của thai phụ. Nước ối có chức năng tái tạo năng lượng, cung cấp dưỡng chất cho thai nhi, giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do co cơ tử cung (khi thiểu ối), làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn.  Hơn nữa, trong dung dịch nước ối còn chứa cả những tế bào của thai nhi. Chính vì vậy, tình trạng thiếu ối sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho bào thai.

cạn ối khi mang thai
Cạn ối có thể làm cho hoạt động của thai nhi bị hạn chế, sự co bóp của tử cung dễ bị đè lên thai khiến thai nhi có nguy cơ bị khuyết tật khi chào đời. Ảnh minh họa

Thiếu ối (do cạn ối) có thể làm cho hoạt động của thai nhi bị hạn chế, sự co bóp của tử cung dễ bị đè lên thai khiến thai nhi có nguy cơ bị khuyết tật khi chào đời. Ngoài ra, thiếu ối cũng dễ khiến thai bị suy dinh dưỡng, chậm tăng trưởng...

Tình trạng thiếu ối có thể xảy ra tại bất kì thời điểm nào của thai kì. Nguyên nhân gây ra thiếu ối thường khó xác định rõ ràng nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do khuyết tật ở thai nhi hoặc rò rỉ túi nước ối. Những thai nhi bị khuyết tật thận (giãn bể thận) thường ít đi tiểu, do đó lượng nước ối không được tạo đủ. Một số vấn đề sức khỏe của người mẹ khi mang thai cũng có liên quan tới tình trạng thiếu nước ối trong tử cung như: cao huyết áp, đái tháo đường, vấn đề về nhau thai...

Bạn không nên lo lắng quá sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. Bạn nên nghỉ ngơi và ít nhất sau khoảng 1 năm nữa mới nên có thai trở lại vì bạn cũng coi như đã trải qua một lần sinh nở.

Bạn cần giải tỏa tinh thần và tránh những áp lực, lo lắng về điều không may vừa rồi. Để lần mang thai thứ 2 diễn ra thuận lợi, trước khi có thai, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe sinh sản, tiêm phòng đầy đủ để có thể có một thai kì hoàn toàn khỏe mạnh. Hãy tạo cho mình thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ dưỡng chất, tránh tiếp xúc hóa chất độc hại để giữ gìn sức khỏe tốt nhất.

Chúc vợ chồng bạn vui khỏe!

Nếu có thắc mắc muốn được giải đáp liên quan đến các vấn đề sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính, tình dục... bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại email:[email protected].