Nhiều ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi một nhóm quái xế gây tai nạn tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm một cô gái tử vong.

Theo đó, khoảng 0h15 ngày 3/11, khi chị Q (27 tuổi, trú tại Hà Nội) điều khiển xe máy dừng đèn đỏ tại nút giao Trần Hưng Đạo - Bà Triệu thì bị xe máy trong đoàn do nhóm thanh thiếu niên (khoảng 20-30 xe) di chuyển ngược chiều, với tốc độ cao tông trúng là chị Q tử vong tại chỗ.

Cần tăng mức phạt đối với hành vi giao xe máy cho người chưa đủ tuổi lái xe - Ảnh 3.

Hiện trường vụ tai nạn cô gái chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu bị đoàn 'quái xế' tông phải dẫn đến tử vong.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc đau lòng, gây tại nạn thương tâm, mà nhiều người trong nhóm "quái xế" điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi lái xe. Và hàng ngày trên đường phố, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh thanh thiếu niên, học sinh trung học phổ thông không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, lạng lách đánh võng.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ bản thân người làm cha, làm mẹ. Lý giải về hành vi giao xe máy cho con sử dụng khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe, hầu hết phụ huynh đều đưa ra lý do chung như nhà xa, con phải đi học thêm nhiều, con đi xe máy để chủ động hơn trong việc đi lại, học tập...

Anh Nguyễn Hoàng Minh, trú tại quận Nam Từ liêm phân trần: "Cũng vì hoàn cảnh gia đình. Tôi còn 1 cháu nhỏ nữa, cháu đi học muộn hơn. Cháu này 7h phải có mặt ở trường rồi, nhà ở xa mà đèo 2 cháu vòng đi vòng lại rất mất thời gian nên tôi đành chấp nhận cho cháu tự đi. Tôi thấy đã sai".

Đối với những trường hợp vi phạm khi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, ngoài việc lập biên bản xử lý theo quy định, lực lượng chức năng sẽ lập danh sách gửi về nơi các em đang theo học để nhà trường phối hợp với phụ huynh tiếp tục có biện pháp giáo dục, nhắc nhở…

Theo Đại úy Nguyễn Anh Đức, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội, tình trạng học sinh chưa đủ tuổi để cấp Giấy phép lái xe, nhưng vẫn được các bậc phụ huynh giao xe máy để điều khiển đến trường gây nhiều hệ lụy, thậm chí đã xảy ra những tai nạn thương tâm.

Theo quy định của pháp luật, phụ huynh hay bất kỳ ai khi giao xe cho con em và người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ. Nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, người giao xe còn phải đối mặt với trách nhiệm hình sự. Học sinh điều khiển xe máy ra đường mà chưa qua đào tạo, sát hạch, rất khó kiểm soát chuẩn mực hành vi.

Cần tăng mức phạt đối với hành vi giao xe máy cho người chưa đủ tuổi lái xe - Ảnh 10.

Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo

Theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo, đây chính là nguyên nhân dẫn tới tình huống học sinh xem thường luật lệ, coi nhẹ tính mạng của chính mình cùng người và phương tiện tham gia giao thông khác.

"Người điều khiển phương tiện giao thông muốn an toàn phải có 2 vấn đề. Việc thứ nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện thông qua sát hạch. Thứ 2 là hiểu biết pháp luật về trật tự an toàn giao thông…"-ông Khương Kim Tạo nói.

Trước thực tế này, mới đây Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã đề xuất tăng mức phạt với một số hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn, cố ý xâm phạm trật tự an toàn giao thông... Đáng chú ý, hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển được đề xuất tăng gấp 5 lần từ 4 - 6 triệu đồng với mức phạt cũ lên 28 - 30 triệu đồng. Nâng cao chế tài xử phạt là cần thiết, xong rất cần thêm trách nhiệm, ý thức của mỗi người từ việc kiểm soát phương tiện không giao xe cho con em, học sinh và những người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.