Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ

Thông tin khoa Cấp cứu - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngày 14/01/2020, đã tiếp nhận bệnh nhân nam Hoàng Văn N (38 tuổi), địa chỉ tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Vào viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn nghi ngờ do uống rượu ngâm hạt cau khô.

Theo người nhà kể lại, bệnh nhân có uống hơn 300ml rượu ngâm hạt cau khô, sau khi uống rượu, bệnh nhân vã mồ hôi, bị kích thích, vật vã, tím tái toàn thân và được người nhà đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên Cấp cứu.

THS.BS. Lê Duy Đạo, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên Cấp cứu cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng lơ mơ, da lạnh và tím tái toàn thân, vã mồ hôi, vệ sinh không tự chủ được, đồng tử hai bên co nhỏ, không mạch, không huyết áp và nhịp tim rời rạc. Sau đó, bệnh nhân được các Bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, dùng thuốc và thở máy rửa dạ dày. Sau khi cấp cứu, đến nay bệnh nhân đã tỉnh táo, qua cơn nguy kịch, ăn uống và sinh hoạt trở lại bình thường. Dự kiến, từ 1 đến 2 ngày nữa bệnh nhân sẽ ra viện".

THS.BS. Lê Duy Đạo, Phó Trưởng khoa Cấp cứu khuyến cáo, rượu cau là một loại thuốc được lưu truyền trong dân gian cực kì hiệu quả trong việc sử dụng để chữa các bệnh về răng và lợi. Vì vậy, người dân không nên tự ý uống, chỉ sử dụng ngậm rượu sau khi pha loãng, nếu dùng với số lượng nhiều sẽ gây ra ngộ độc.

Cận Tết, đã có trường hợp ngừng tuần hoàn nghi do uống rượu ngâm hạt cau: Chuyên gia cảnh báo lưu ý quan trọng khi uống - Ảnh 1.

Bệnh nhân N nhập viện điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Nguy cơ nhiễm độc từ các loại rượu tự ngâm

Theo các chuyên gia hiện nay, rượu thuốc tự ngâm khá phổ biến, nhiều người cho rằng đó là thần dược chữa được rất nhiều bệnh, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải rượu thuốc nào cũng bổ, cũng quý.

Rượu thuốc thường được ngâm từ rượu trắng nồng độ cao với các loại thảo dược. Nhiều người nghĩ, rượu thuốc có thể là rượu ngâm với bất cứ thứ gì được "truyền miệng" là tốt, là bổ. Đó có thể là rượu ngâm với các loại cây nhà lá vườn như đinh lăng, sâm đất, ngũ gia bì, chuối hột, hạt cau đến một số loại động vật như bìm bịp, rắn, rết, tắc kè, tay gấu, mật cá trắm hoặc một vài loại côn trùng như bổ củi, sâu chít, ong vò vẽ..., miễn là "nghe nói bổ" thì cho vào ngâm rượu rồi uống.

Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế việc sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc cho cơ thể rất cao.

Ngoài việc uống quá nhiều loại rượu này có thể gây ngừng chức năng của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, việc tự mua, tự ngâm thảo dược cũng không thể tránh khỏi lẫn trong đó vài loại cây củ có độc như mã tiền. Nguy hiểm hơn nữa là các loại rượu thuốc bán trôi nổi ngoài chợ, trên mạng còn nguy hiểm hơn, khi một số người bán hàng đã vì lợi nhuận mà trộn đủ loại thân, lá, rễ cây giả vào dược liệu ngâm rượu. Hoặc để rượu luôn có màu cánh gián, nâu sẫm đẹp mắt, mùi hương hấp dẫn, không ít người đã dùng rượu đế hoặc cồn trộn lẫn hương liệu, chất tạo màu để bán cho khách hàng.