Mùa mưa, bạn sẽ làm gì với quần áo vừa giặt xong? Phải chăng bạn sẽ phơi ở trong nhà, như cách nhiều người vẫn đang làm? Xin báo cho bạn biết, làm như vậy sẽ có thể đưa đến rất nhiều nguy cơ nghiêm trọng, đặc biệt với những người có hệ miễn dịch yếu, bị hen suyễn nặng.

Lý do là bởi phơi quần áo trong nhà sẽ làm tăng lượng độ ẩm trong phòng thêm đến 30%, tạo ra môi trường lý tưởng cho nhiều loại bào tử nấm mốc sinh sôi, trong đó đặc biệt là bào tử Aspergillus fumigatus - có thể gây các bệnh dị ứng, bệnh đường hô hấp, lao phổi, u nấm phổi, ngoài ra có thể lan đến bất kỳ đâu trong cơ thể, gây nhiễm trùng máu, có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt, tử vong nhanh.

aspergillosis
(Ảnh: Internet)

Giáo sư David Denning và nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Aspergillosis Quốc gia, Manchester, Vương quốc Anh đã đưa ra lời cảnh báo sau khi phải điều trị cho ngày càng nhiều bệnh nhân hít phải bào tử nấm Aspergillus. Theo ông cho biết, để quần áo khô, lượng nước trong đó sẽ phải được “xả” ra không gian xung quanh, trong trường hợp này là nhà chúng ta, lượng nước có thể lên đến 2l. 

“Hầu hết chúng ta đã được miễn dịch với nấm sinh sôi trong điều kiện ẩm ướt đó, hoặc có hệ miễn dịch khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả chống lại viêm nhiễm. Tuy nhiên, một số đối tượng như những người bị hen suyễn, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc đã bị tổn thương, chẳng hạn bệnh nhân ung thư đang xạ trị, bệnh nhân Aids và những người có bệnh tự miễn… có thể sẽ bị nhiễm nấm ở phổi, là bệnh không thể chữa được và có thể dẫn đến tử vong.” Tùy theo điều kiện môi trường và điều kiện sức khỏe của mỗi người mà triệu chứng nhiễm nấm aspergillosis có thể từ hắt hơi nhẹ cho đến ho ra máu, những người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Vậy nên, các chuyên gia khuyên chúng ta rằng:

- Để ý dự báo thời tiết để… “tranh thủ” những ngày có nắng;

- Nên giặt vào buổi sáng, để quần áo có nhiều thời gian hơn để khô, ngoài ra, nhiều người cũng nhận thấy vào buổi sáng thì ít mưa hơn buổi chiều;

- Mỗi lần chỉ giặt một lượng quần áo vừa phải, tránh giặt quá nhiều rồi phơi quá dày, quá sát, quần áo sẽ rất khó khô;

- Để quần áo nhanh khô hơn, có thể dùng một số mẹo như phơi ngược cho phần thắt lưng quần dốc xuống dưới, cuộn quần áo trong khăn lông khô để thấm bớt nước trước khi phơi, giũ mạnh quần áo trước khi phơi...

- Nếu có điều kiện, nên dùng máy sấy;

- Nếu buộc phải phơi quần áo trong nhà, Ít nhất cũng hãy chọn nơi thông thoáng, xa phòng ngủ và phòng khách.

phơi quần áo
(Ảnh: Internet)

Ngoài ra, còn có một số thói quen phơi phóng khác cũng rất hại sức khỏe, mà rất nhiều người vẫn đang làm, cần bỏ ngay:

Phơi quần lót trong phòng tắm - Nhiều người muốn kín đáo, tế nhị, hoặc chỉ đơn giản là lười, giặt đâu phơi đấy nên thường phơi quần áo lót trong phòng tắm. Tuy nhiên, môi trường phòng tắm ẩm thấp, không thông thoáng, sẽ dễ có vi khuẩn sinh sôi, nếu việc làm này sẽ khiến bạn bị tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa.

Không vắt quần áo - Nhiều người sợ quần áo bị giãn, nhăn nhàu nên không vắt mà cứ thế đem phơi. Việc này sẽ khiến quần áo rất lâu khô, tạo điều kiện cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển; chưa kể vì phơi cả ngày không khô, bạn có thể sẽ phải đem vào nhà phơi tiếp.

Phơi quần áo trái - Nhiều người nghĩ cách làm này giống như dùng ánh nắng để diệt khuẩn tốt hơn cho quần áo, và tránh bạc màu, nhưng thực tế không khí của chúng ta có rất nhiều khói bụi, vi khuẩn… chúng sẽ bám vào mặt trong quần áo - phần tiếp xúc trực tiếp với cơ thể của chúng ta, và do đó tăng khả năng gây bệnh, nhất là nếu đó là quần áo lót.

Tổng hợp, theo dailymail