Tinh hoàn ẩn có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng cách

Tinh hoàn ẩn là tình trạng khi một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển xuống bìu như bình thường ở nam giới. Đây là một vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh nam, đặc biệt là những trẻ sinh non. Thông thường, sau 6 tháng từ lúc sinh ra, trẻ cần phải được đi siêu âm để kiểm tra xem tinh toàn đã di chuyển xuống bìu chưa, trường hợp chưa xuống thì cần được điều trị sớm nhất có thể.

Việc điều trị tinh hoàn ẩn là rất quan trọng, bởi nếu không được điều trị, có thể dẫn đến các biến chứng như vô sinh hoặc nguy cơ phát triển thành ung thư tinh hoàn sau này.

"Thời điểm vàng để điều trị tinh hoàn ẩn cho trẻ là dưới 1 tuổi - tỷ lệ thành công có thể lên đến 90%. Bệnh lý có thể được chữa khỏi hoàn toàn, và chức năng sinh sản của trẻ thường không bị ảnh hưởng." - BS Trịnh Minh Thanh - chuyên gia khoa Nam học và Phẫu thuật tiết niệu Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết.

Can thiệp kịp thời tinh hoàn ẩn ở trẻ - bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách nhận biết sớm - Ảnh 1.

Tinh hoàn lạc chỗ ở bẹn hoặc ở sâu trong ổ bụng

Phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị tinh hoàn ẩn hiện nay là phẫu thuật. Phẫu thuật này thường được thực hiện khi trẻ khoảng 6 tháng đến 1 tuổi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ di chuyển tinh hoàn xuống bìu và cố định nó ở đó. Ở một số bệnh nhân có động mạch tinh ngắn, các bác sĩ sẽ phải kéo dài dây thừng tinh nhằm đảo bảo máu nuôi tinh hoàn. Thông thường các bệnh nhân tinh hoàn ẩn sẽ được mổ 1 thì (1 lần mổ là đã thành công đưa tinh hoàn xuống bìu), nhưng cũng có nhiều bệnh nhân do không thể kéo dài dây thừng tinh thì buộc phải thực hiện mổ 2 thì (lần 1 hạ tinh hoàn tối đa có thể, chờ thêm 1 thời gian nữa thực hiện mổ lần 2 để hạ hoàn toàn tinh hoàn xuống bìu).

Can thiệp kịp thời tinh hoàn ẩn ở trẻ - bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách nhận biết sớm - Ảnh 2.

Phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị tinh hoàn ẩn hiện nay là phẫu thuật hạ tinh hoàn.

Chị Bùi Thảo - là mẹ của Q.K (2 tuổi, Hà Nội) từng phẫu thuật hạ tinh hoàn tại Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - chia sẻ: "Con tôi được phát hiện bị hạ tinh hoàn ẩn cả 2 bên lúc gần 2 tuổi, cũng được xem là khá muộn. Tôi đã rất lo lắng khi nghe giải thích về nguy cơ nếu điều trị muộn. Thật may các bác sĩ bệnh viện Hồng Ngọc đã phẫu thuật thành công, chỉ trong 1 lần mổ  đưa tinh hoàn 2 bên của con về đúng vị trí. Kết quả kiểm tra sau phẫu thuật của con bình thường, 1 ngày sau mổ con đã ăn và đi lại được."

Can thiệp kịp thời tinh hoàn ẩn ở trẻ - bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách nhận biết sớm - Ảnh 3.

Hình ảnh siêu âm trước và sau khi được phẫu thuật hạ tinh hoàn

Dấu hiệu nhận biết tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh

"Không khó để nhận biết dấu hiệu của tinh hoàn ẩn và bố mẹ hoàn toàn có thể tự kiểm tra bất thường tại nhà, nhanh chóng phát hiện và đưa trẻ đến thăm khám chuyên sâu ở các trung tâm y tế để được xác định rõ và có kế hoạch điều trị phù hợp." - bác sĩ Thanh cho biết.

Theo bác sĩ Thanh, cách đơn giản nhất để nhận biết tinh hoàn ẩn ở trẻ là bố mẹ có thể dùng tay trực tiếp sờ lên bìu để kiểm tra. Khi sờ vào bìu, nếu không cảm nhận được tinh hoàn (hoặc chỉ cảm thấy một bên), thì đó là dấu hiệu của tinh hoàn ẩn. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất và bố mẹ cần kiểm tra ngay sau khi sinh để phát hiện sớm bệnh lý và có kế hoạch thăm khám, điều trị.

Bố mẹ cũng cần quan tâm khi thấy con mình có bìu nhỏ hoặc không đối xứng (một bên to, một bên nhỏ) thì cũng có khả năng tinh hoàn không di chuyển xuống.

Đôi khi, tinh hoàn ẩn có thể nằm ở vùng bụng hoặc vùng bẹn của trẻ, nếu sờ thấy khối cứng ở vùng này thì phụ huynh cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được thăm khám sớm.

Tinh hoàn ẩn cũng có thể được phát hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh. Các bác sĩ sẽ kiểm tra bìu và xác định xem tinh hoàn đã xuống hay chưa. Nên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là cần thiết đối với trẻ sơ sinh.

Can thiệp kịp thời tinh hoàn ẩn ở trẻ - bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn cách nhận biết sớm - Ảnh 4.

Cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra nếu không chắc chắn về tình trạng của trẻ

Trong trường hợp có dấu hiệu lâm sàng hoặc có nghi ngờ, khi đến thăm khám ở các cơ sở uy tín, các bác sĩ có thể sẽ chỉ định khám chuyên sâu như xét nghiệm nội tiết tố, siêu âm để xác định vị trí của tinh hoàn, hay thậm chí là chụp cắt lớp ổ bụng.

"Mặc dù không khó để có thể phát hiện ra dấu hiệu của bệnh lý tinh hoàn ẩn, tuy nhiên bố mẹ cần được trang bị kiến thức để nhanh chóng phát hiện bệnh, tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị." - bác sĩ Thanh nhấn mạnh thêm.