Sáng 9/4/2020, tin từ BS CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ Khoa Sản của bệnh viện vừa cấp cứu thành công trường hợp hiếm gặp, suy thai cấp do dây rốn quấn cổ 4 vòng.

Chị Trần Thị Mỹ Duyên, 28 tuổi ở quận Cái Răng, TP Cần Thơ vào viện vào sáng ngày 7/4/2020 với lý do thai 41 tuần, 3 ngày.

Sau thời gian theo dõi chuyển dạ, ghi nhận từ monitor cho thấy nhịp tim của thai nhi giảm rất sâu trên biểu đồ nhịp tim thai, các bác sĩ đã tầm soát và phát hiện: Thai cử động nhiều và mạnh hơn bình thường, siêu âm phát hiện dây rốn quấn cổ nhiều vòng vào tuần cuối thai kỳ.

Thai phụ được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu vì suy thai cấp. Ê kíp phẫu thuật do TS.BS Lâm Đức Tâm - Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phẫu thuật chỉ trong 15 phút và đưa được bé trai nặng 3.400 gram ra ngoài.

Trong quá trình phẫu thuật, kiểm tra nhận thấy bé có dây rốn quấn cổ 4 vòng quấn chặt vào cổ, sau mổ bé hồng hào khóc tốt. Tiếp tục kiểm tra dây rốn nhận thấy dây rốn dài 80cm (bình thường chỉ là 30- 60cm). Hiện tại, sức khỏe của mẹ và bé đều ổn.

Cần Thơ: Cấp cứu thành công bé sơ sinh "tràng hoa cuốn cổ" - Ảnh 2.

Niềm vui của chị Duyên bên bé trai xinh xắn.

Theo TS Lâm Đức Tâm: Tần suất dây rốn quấn cổ tăng theo tuổi thai. Trong 3 tháng cuối thai kỳ, tỉ lệ khoảng 15- 34% với 90% trường hợp là quấn 1 vòng. Dây rốn quấn cổ đơn vòng phổ biến hơn dây rốn quấn nhiều vòng (11-28% quấn 1 vòng so với 2-7% nhiều vòng).

Trong một nghiên cứu hồi cứu, tỉ lệ dây rốn quấn cổ 1 vòng, 2 vòng, 3 vòng, 4 vòng là: 10,6%; 2,5%, 0,5% và 0,1%. Tuổi của người mẹ, dân tộc, và số lần đẻ không ảnh hưởng đến tỉ lệ này.

Các bác sĩ cần chú ý những trường hợp có thai chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc suy thai lúc chuyển dạ cần được đánh giá xem có dây rốn quấn cổ nhiều vòng hay không.

-  Dây rốn quấn cổ có thể xảy ra 1 vòng hoặc nhiều vòng quanh cổ. Nó có thể quấn lỏng hoặc thắt chặt.

-  Nó xảy ra ngẫu nhiên nhưng gia tăng nguy cơ ở các thai tăng động và/hoặc dây rốn dài.

Chẩn đoán trước sinh dựa vào siêu âm với độ nhạy chẩn đoán dây rốn quấn cổ 70% siêu âm trắng đen và 83- 97% siêu âm Doppler màu.

Dây rốn quấn cổ là một dấu hiệu thường được phát hiện một cách tình cờ trong khoảng 20% tổng số thai kì. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra dây rốn quấn cổ 1-2 vòng là một dấu hiệu bình thường, không dẫn đến những kết cục bất lợi thai phụ và thai nhi.

Tuy nhiên, dây rốn quấn cổ từ 3 vòng trở lên hoặc dây rốn quấn chặt được ghi nhận liên quan đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, tăng tần suất phải mổ lấy thai cũng như suy thai và tăng tỉ lệ tử vong thời kì sơ sinh.

Mặc dù dây rốn quấn cổ không làm gia tăng những có hại thai kỳ, tuy nhiên nó cũng làm nguy cơ gia tăng bất thường tim thai trong cuộc đẻ dẫn tới gia tăng tỉ lệ mổ lấy thai.

Làm thế nào phát hiện dây rốn quấn cổ, thắt nút:

- Thai phụ để ý kỹ số lần cử động thai. Bình thường cử động thai hơn 10 lần/12 giờ, cử động đều đặn, không hỗn loạn. Nếu đột ngột cử động thai hỗn loạn, cử động ít so với ngày bình thường, bạn phải đi kiểm tra sức khỏe thai ngay.

- Khám thai định kỳ: Nên siêu âm màu kiểm tra, có thể chẩn đoán chính xác dây rốn quấn cổ, thắt nút. Siêu âm màu có thể cho bạn biết dây rốn quấn bao nhiêu vòng để tiên lượng sanh hay mổ.

- Theo dõi tim thai mỗi lần khám bằng máy monitor để phát hiện sớm dấu chèn ép rốn.