Theo đó, ông Nguyễn Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường cho rằng biện pháp kiểm tra quần học sinh “để yêu cầu về nhà thay quần rồi trở lại trường” để nhằm thể hiện sự cương quyết không để học sinh mặc quần bó, đáy ngắn bước vào khu vực trường. Ông Phú cho biết việc kiểm tra quần không nhằm mục đích đuổi học học sinh mà chỉ muốn khắc phục phong trào quần ống bó, đáy ngắn đang diễn ra ngày càng nhiều tại trường và để tạo sự bình đẳng trong học sinh.

Ông Phú thẳng thắn nêu quan điểm việc kiểm tra quần, buộc học sinh không được vào trường khi chưa thay quần: “Cương quyết khắc phục thì chắc có nhiều thông tin hiểu lầm. Thà chịu tốn thời gian giải thích hơn là để mặc cái tồn tại (quần ống nhỏ hơn 18-20cm) cứ tăng dần theo năm tháng”. Trong báo cáo, ông Phú nói việc sửa đồng phục thành quần bó, đáy ngắn nhiều lúc ngồi hở cả mông đã trở thành phong trào nên nhà trường lên kế họach kiểm tra, chấn chỉnh.

Ngày 20-8 nhà trường sẽ tiếp tục kiểm tra, nếu còn vi phạm sẽ mời phụ huynh đến làm việc, sau khi cam kết vẫn vi phạm thì nhà trường sẽ xử lý kỷ luật.

Sau khi nhận báo cáo, bà Trần Hồng Thắm, phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết báo cáo này chỉ là cơ sở nhận định ban đầu, mang tính một chiều, Ban lãnh đạo sở sẽ họp để đưa ra hướng xử lý cụ thể, trả lời báo chí. Theo đó, sở sẽ cử cán bộ chuyên môn làm việc với trường về chủ trương, biện pháp thực hiện việc kiểm tra đồng phục học sinh, trong đó không loại trừlàm việc với phụ huynh và cả học sinh để nắm cách thức kiểm tra, yêu cầu học sinh về thay quần.

Bà Thắm cho rằng mong muốn của nhà trường là tốt, nhưng cách thức thực hiện là chưa ổn trong môi trường giáo dục, nhất là việc không cho các em vào trường, buộc về nhà thay quần.

Chiều 16-8, trao đổi với một số học sinh và phụ huynh, họ cho biết việc kiểm tra quần được thực hiện trong khuôn viên nhà trường (phía ngoài cổng thứ 2), học sinh nào mặc quần ống rộng khoảng 18-20cm mới được cho vào, bất kể nam hay nữ. Việc kiểm tra đại trà lúc học sinh đến trường tập trung khiến cả tuyến đường dẫn đến trường đông nghẹt, ùn ứ giao thông. Khu vực chợ Cờ Đỏ nằm gần trường không thể buôn bán được gì vào giờ cao điểm họp chợ buổi sáng.

Cần Thơ: Mua quần nhà trường bán thì được vào (?) 1

Người chụp bức ảnh này đưa lên facebook cho biết phần lớn các học sinh trong hình đều bị buộc về nhà thay quần và đa số trong số này không được vào trường sau đó

Chị Quách Thu Thủy, một phụ huynh có con gái học lớp 11 tại trường, cho biết tình trạng học sinh chen lấn để được vào trường khiến tình hình tại chợ hỗn loạn, nhiều rau cải bán cặp lề bị giẫm đạp, nhiều người lớn tuổi đi đường bị xô lấn té ngã, xây sát nhẹ.

Nhưng bức xúc nhất của chị Thủy là dù con gái chị mặc quần ống 18-19cm, mua của nhà trường nhưng cũng bị thầy cô đuổi về thay đồ khác. Đến khi thay đồ khác quay trở lại nhà trường vẫn không được vào. Chị Thủy cho biết con gái chịở với bà ngoại 59 tuổi, nhà cách trường khoảng 7km, hàng ngày bà ngoại phải chạyxe ôm kiếm sống. Hôm nghe cháu gái bị đuổi về nhà buộc thay đồ khác, bà ngoại cháu phải bỏ khách dọc đường để chạy về.

“Nghe tin, tôi đãđem thước dây tới trường đo hai ống quần trước mặt thầy cô giáo nhưng họ nhất quyết không cho vào. Nhà tôi nghèo, con gái phải mặc quần cũ của năm học trước để đến trường. Quần mua từ nhà trường, không chỉnh sửa gì nhưng vẫn không được cho vào trường học. Rất nhiều học sinh không được vào trường cứ chen lấn, đứng lúc nhúc trước cổng tới 9-10 giờ, mồ hôi nhễ nhại nhìn rất tội”, chị Thủy bức xúc.

Chị Thủy nói thêm nhà trường có bán quần tại chỗ, học sinh nào mua dù ống quần cỡ nào cũng được cho vô. Một nữ sinh lớp 11, cho biết nếu mua quần của trường bán, size 16 có ống rộng chỉ 17cm cũng được cho vô. Bản thânnữ sinh nàyphải mượn xe của bạn chạy về nhà 3 km để thay quần thun (thể dục) mới được cho vào. Lớp củanữ sinh nàysĩ số trên 40, nhưng hôm kiểm tra chỉ có trên 10 người có mặt trong lớp học.

Sau sự kiện trên, nhiều hình học sinh chờ tới lượt kiểm tra quần đã được chính các “nạn nhân” tung lên mạng xã hội facebook vớihàng trăm ý kiến phản hồi. Nhiều học sinh của trường Hà Huy Giáp cho biết có người mặc quần ống 20cm cũng không được cho vào, nhưng nếu mua ngay quần do nhà trường bán thì được.

Bà Trần Hồng Thắm, phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết bộ GD-ĐT qui định đồng phục quần đồng màu, áo đồng màu, chứ không quy định kích cỡ ống quần. Việc quy định cỡ nào là tùy từng trường, nhưng phải phù hợp, kín đáo. Các trường khác cũng có quy định riêng về đồng phục, nhưng qua kiểm tra rất ổn, chưa xảy ra tình trạng tương tự như trường hợp này.

Tối 16-8, trao đổi về thông tin nhà trường tổ chức bán đồng phục cho học sinh ngay lúc kiểm tra quần của học sinh, ông Nguyễn Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà cung cấp bán đồng phục hết cho học sinh từ đầu năm học, còn một số gửi lại cho các bộ phận có liên quan để bán cho học sinh có nhu cầu trong quá trình học tập.

Ông Phú nói chưa nắm thông tin nhà trường bán quần cho học sinh ngay lúc kiểm tra, sẽ kiểm tra lại, nhưng quan điểm là yêu cầu học sinh về nhà thay đồng phục đúng quy định. Còn việc dư luận quan ngại học sinh buộc ra về sẽ xảy ra điều không hay, ông Phú cho rằng các em lớn hết rồi, đều có điện thoại hết, có khó khăn cần giúp thì nói nhà trường hoặc điện thoại cho phụ huynh.