Việt Nam đứng trước nguy cơ dịch cúm có thể xâm nhập
Thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận thêm 15 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 3 trường hợp tử vong tại 5 địa phương gồm Phúc Kiến (5 mắc, 1 tử vong), Giang Tô (4 mắc, 0 tử vong), Chiết Giang (4 mắc, 1 tử vong), Tân Cương (1 mắc, 1 tử vong) và Quảng Đông (1 mắc, 0 tử vong). Hầu hết các trường hợp mắc đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống.
Như vậy, đến ngày 13/1/2015, thế giới đã ghi nhận 485 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 (trong đó có 4 trường hợp tại Đài Loan, 11 tại Hồng Kông và 1 tại Malaysia), 185 trường hợp tử vong.
Kể từ khi phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm cúm A/H7N9 trên người tại Trung Quốc vào tháng 3/2013, đến 10/2014 đã ghi nhận 2 đợt bùng phát dịch bệnh này. Đợt 1 từ tháng 1-9 năm 2013 với 135 trường hợp mắc, 43 trường hợp tử vong. Đợt 2 từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014 với 137 trường hợp mắc, 20 trường hợp tử vong. Số lượng trường hợp mắc nhiều nhất của cả hai đợt bùng phát dịch được ghi nhận trong những tháng từ tháng 1 tới tháng 4.
Năm 2015, WHO nhận định có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9 mới trên người vào mùa đông - xuân và có thể dẫn tới đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, dù số ca mắc, tử vong do cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là khá cao và Tổ chức Y tế nhận định có thể dẫn tới đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ ba, nhưng cho đến nay WHO chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia hoặc áp dụng biện pháp sàng lọc đặc biệt tại các cửa khẩu đối với dịch bệnh này.
Đánh giá nguy cơ lây truyền cúm A/H7N9 vào Việt Nam, ông Phu lo ngại trong mùa đông - xuân và dịp Tết Ất Mùi 2015, điều kiện thời tiết, việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm gia tăng dẫn đến nguy cơ mắc cúm A/H7N9 là rất lớn.
Việt Nam có đường biên rất dài với Trung Quốc – địa phương đang xảy ra dịch cúm gia cầm chết người này, trong khi đó, vào dịp Tết, việc giao thương đi lại nhiều hơn, có thể có hiện tượng buôn lậu gia cầm. Vì thế Việt Nam luôn phải cảnh giác nguy cơ này và Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai các biện pháp cần thiết trong việc giám sát, phòng chống dịch bệnh mùa Đông – Xuân nói chung, cúm A/H7N9 nói riêng.
Vi rút cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gen từ vi rút cúm gia cầm. Ảnh minh họa
Khuyến cáo phòng chống cúm A/H7N9
Vì vậy, WHO có một số khuyến cáo đối với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A/H7N9 như sau:
Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm, không nên tới khu vực giết mổ gia cầm.
Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng để sát khuẩn.
Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt.
Đối với người xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch tới hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới cúm A/H7N9.
Trong mùa Đông Xuân và dịp Tết Ất Mùi 2015, điều kiện thời tiết, việc buôn bán, tiêu thụ gia cầm gia tăng dẫn đến nguy cơ mắc cúm A/H7N9 là rất lớn. Do vậy, để tăng cường phòng chống cúm A/H7N9, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường hay tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, súc miệng, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối.
Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm.
Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Trang bị bảo hộ đầy đủ bao gồm: Khẩu trang, mũ, kính, găng tay…khi chăn nuôi, mua bán, giết mổ gia cầm…
Hiện chưa có vacxin phòng cúm A/H7N9 đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao, người già, trẻ em… nên tiêm phòng vacxin phòng cúm mùa đều đặn hàng năm vì loại vacxin này cũng có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng và hạn chế tử vong do các chủng cúm nguy hiểm gây ra như cúm A/H5N1, H7N9…
Khi người dân có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở mà có tiếp xúc, liên quan đến gia cầm cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.