Trước nhu cầu tiêm chủng vắc-xin phối hợp “sởi - quai bị - Rubella” tăng cao do lo ngại dịch sởi, tại nhiều cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội những ngày qua đã xảy ra tình trạng khan hiếm vắc-xin. Một số bác sĩ cho biết do lượng trẻ đến tiêm sởi dồn dập trong thời gian qua nên không đủ vắc-xin dịch vụ để tiêm. Nhiều nhân viên y tế đã khuyến cáo các bậc cha mẹ đưa trẻ đến phường tiêm phòng vắc-xin sởi mũi đơn miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Bộ Y tế nói “không thiếu”
Nhiều cơ sở tiêm chủng cũng cho biết vắc-xin thủy đậu, cúm, vắc-xin phối hợp “5 trong 1” và “6 trong 1” hết sạch từ nhiều tháng qua và không biết khi nào có lại. Trong khi đó, theo nhiều bác sĩ, thời điểm này đã rải rác ghi nhận các ca bệnh thủy đậu, cũng là bệnh lây qua đường hô hấp. “Nếu như không phòng bệnh tốt, trẻ mắc sởi đồng nhiễm với thủy đậu sẽ vô cùng nguy hiểm” - một bác sĩ lo ngại.
Trước thông tin cho rằng hết vắc-xin ở các điểm tiêm chủng, PGS-TS Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế, khẳng định không thiếu vắc-xin sởi. Hiện Việt Nam đã sản xuất được vắc-xin theo công nghệ Nhật Bản với công suất tối đa 7,5 triệu liều/năm. Trong khi đó, năm 2013, cả nước mới chỉ sử dụng hết 2,7 triệu liều. Hiện số vắc-xin được đưa về các địa phương sẽ bảo đảm tiêm đủ đến đầu tháng 5 và trung tâm sẽ cung ứng thêm để cam kết tất cả các phòng tiêm chủng không thiếu thuốc tiêm phòng sởi cho trẻ. Cũng theo ông Hiền, đối với một số vắc-xin phối hợp “6 trong 1”, “5 trong 1”, vắc-xin thủy đậu… là những vắc-xin tiêm dịch vụ và không thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nên việc cung cấp là do các công ty tư nhân đảm nhiệm.
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế thì cho rằng việc lập dự trù, đặt hàng của một số cơ sở tiêm chủng chưa kịp thời, dẫn đến việc thiếu vắc-xin cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ. Hiện 6 loại vắc-xin phòng bệnh đa giá (sởi, quai bị, Rubella) được cấp đăng ký lưu hành tại Việt Nam vẫn còn hiệu lực.
Nghỉ lễ kéo dài sẽ khiến ca mắc sởi tăng
Từ ngày 25-4, TP Đà Nẵng tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em mũi 1 và mũi 2. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, hiện tại, vắc-xin đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, các vắc-xin dịch vụ gồm thủy đậu; sốt, quai bị, Rubella; Infanix Hexa (6 trong 1); Pentaxin - Pháp (5 trong 1) hết hàng. Tỉnh Quảng Ngãi mới tiêm phòng cả 2 mũi vắc-xin sởi cho hơn 40% trong tổng số 5.600 trẻ em toàn tỉnh và số lượng vắc-xin hiện không thiếu so với nhu cầu.
Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết khi có thông tin về diễn biến phức tạp của bệnh sởi, người dân ồ ạt đưa trẻ đi tiêm vắc-xin dịch vụ “3 trong 1” nên sau đó vắc-xin này hết hàng. Việc này không ảnh hưởng đến công tác phòng chống sởi ở địa phương bởi vắc-xin sởi miễn phí trong chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia vẫn được cung cấp đầy đủ. TP HCM thì đã cạn sạch vắc-xin phòng bệnh sởi dịch vụ “3 trong 1”.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, lo ngại trong đợt nghỉ lễ kéo dài sắp tới, việc tăng cường giao lưu, đi lại, tập trung nơi đông người có thể là những yếu tố khiến các ca mắc sởi gia tăng trở lại. Ông Khuê khuyến cáo người dân nên hạn chế đến chỗ đông người.
Ngày 25-4, Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, cả nước đã có 127 trẻ tử vong do sởi và liên quan đến sởi. Riêng ngày 25-4, có 1 trẻ tử vong và 1 trẻ được người nhà xin cho ra viện do sởi.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ về việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi. Bệnh viện này đã tiếp nhận 136 ca bệnh sởi nhưng chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nặng. Lãnh đạo Bộ Y tế nhắc nhở bệnh viện phải trang bị máy xét nghiệm xác định bệnh sởi, không thể gửi mẫu lên TP HCM rồi chờ kết quả, sẽ mất nhiều thời gian.
Tăng cường an ninh bệnh viện Bộ Công an vừa có công điện yêu cầu các lực lượng tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện, giúp ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dịch sởi, thời gian qua, bọn tội phạm đã gia tăng hoạt động, nổi lên chủ yếu là trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cò mồi khám chữa bệnh, gây rối, phá hoại tài sản bệnh viện, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, bắt cóc trẻ em... |