Nhiều người trẻ những năm gần đây có xu hướng mắc ung thư tuyến giáp
Cách đây hơn 4 năm, chị T.T.N, 29 tuổi, đột nhiên bị khàn tiếng dù không ho, không viêm họng, sức khoẻ hoàn toàn khoẻ mạnh, không có gì bất thường. Sau đó, chị phát hiện ở vùng cổ có khối cứng nên đến bệnh viện gần nhà thăm khám.
Chị rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo mắc ung thư tuyến giáp thể nhú, khối u đã xâm lấn rộng tổ chức xung quanh, không thể phẫu thuật. Bác sĩ yêu cầu nhập viện để xạ trị nhưng chị từ chối. Tháng 7/2019, chị thấy nuốt vướng tăng dần nên quay lại bệnh viện xạ trị vùng cổ. Hết phác đồ, chị thấy dễ chịu hơn, nuốt vướng không còn.
Đến tháng 2/2020, chị thấy các triệu chứng đỡ nhiều nên đến bệnh viện kiểm tra lại. Kết quả cho thấy, bệnh nhân vẫn còn khối u ở cổ, nhiều hạch 2 bên, chỉ định nhập viện vào khoa Phẫu thuật lồng ngực để điều trị.
Ảnh minh họa
Trường hợp khác là một gia đình ở Hà Nội có mẹ, con gái và con trai cùng mắc ung thư tuyến giáp. Trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe, người con gái phát hiện mắc ung thư tuyến giáp thể nhú.
Bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa có chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo vét hạch cổ. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, được hướng dẫn chế độ ăn kiêng iod và theo dõi chỉ số xét nghiệm máu sau 3 tuần. Sau điều trị 6 tháng, bệnh nhân có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt bình thường.
Sau đó, mẹ và em trai của bệnh nhân cũng đi khám kiểm tra sức khỏe tổng thể và phát hiện ung thư tuyến giáp thể nhú khi chưa có các biểu hiện bất thường về mặt lâm sàng. Cả hai được chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp - vét hạch cổ, uống iod phóng xạ.
Năm 2017, một cô gái ở Sài Gòn khi đang có công việc tốt, chuẩn bị tổ chức đám cưới thì mọi thứ sụp đổ khi cô nhận kết quả ung thư tuyến giáp giai đoạn 2, đã di căn qua hạch, phải mổ gấp. Cuộc phẫu thuật của cô thành công, tuy nhiên bác sĩ sau đó phát hiện bệnh đã di căn tới phổi, nên cô phải tiếp tục uống iod phóng xạ liều cao để điều trị.
Tư vấn từ bác sĩ về ung thư tuyến giáp
Hiện nay, rất nhiều người trẻ được chẩn đoán mắc ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS.BS. Ngô Quốc Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K để có những khuyến cáo cho người dân.
Theo bác sĩ Duy, ung thư tuyến giáp là một trong 10 bệnh lý ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 5.000 ca mắc mới và 500 ca tử vong mỗi năm. Độ tuổi mắc ung thư tuyến giáp trung bình ở nam giới là 54 và nữ giới là 49. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi ngày càng nhiều.
Theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (ATA), ung thư tuyến giáp ở người trẻ tuổi là ở nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi. Trong vòng 25 năm (từ năm 1990 đến 2015), tỷ lệ ung thư tuyến giáp trên tổng số ung thư ở người trẻ tuổi đã tăng từ 10% lên 23% ở nữ và từ 5% lên 8% ở nam, đưa ung thư tuyến giáp trở thành một trong những loại ung thư hay gặp nhất ở nhóm đối tượng này.
ThS.BS. Ngô Quốc Duy, Phó Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K (Ảnh: BVCC)
ThS.BS. Ngô Quốc Duy cho biết, tỷ lệ ung thư tuyến giáp tăng nhanh trong vài thập kỉ gần đây. Tại Mỹ, số bệnh nhân ung thư tuyến giáp tăng gấp 3 lần từ năm 1990 đến 2015. Tại Hàn Quốc, con số này là 15 lần trong 18 năm. Nhờ siêu âm được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng nên có thể phát hiện ra các tổn thương nhỏ không có triệu chứng. Ngoài ra, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao dẫn tới tỷ lệ người dân đi khám sức khoẻ định kỳ nhiều hơn, từ đó tăng tỷ lệ mắc.
"Điều trị bệnh lý ung thư nói chung và ung thư tuyến giáp nói riêng cần phối hợp nhiều phương pháp. Đối với ung thư tuyến giáp, phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo. Ngoài ra, các phương pháp khác như iod phóng xạ, liệu pháp nội tiết cũng góp phần không nhỏ trong kế hoạch điều trị ung thư tuyến giáp. Tùy vào tình trạng bệnh và hoàn cảnh của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định kế hoạch điều trị khác nhau", bác sĩ cho hay.
Mặc dù là một trong những bệnh ung thư nhưng ung thư tuyến giáp thường có tiên lượng tốt. Thời gian sống thêm thường rất dài, bệnh nhân được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm có thể khỏi bệnh. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị cũng ổn định.
"Hiện nay, có nhiều bệnh nhân ung thư tuyến giáp, đặc biệt là bệnh nhân nữ trẻ tuổi đến điều trị tại khoa chúng tôi với tâm trạng lo lắng và buồn bã. Ngoài sự ám ảnh về căn bệnh ung thư ác tính, những mối lo về sức khỏe, thẩm mỹ và khả năng mang thai đã ảnh hưởng tới nhiều bệnh nhân", Phó Trưởng khoa Ngoại Đầu cổ nói.
Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của nền y học thế giới và nước nhà, tiên lượng của bệnh ung thư tuyến giáp thường rất tốt. Kết quả điều trị rất khả quan. Chức năng thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng được đảm bảo. Thêm nữa, tinh thần thoải mái, lạc quan luôn có sức mạnh chiến thắng mọi bệnh tật, trong đó có ung thư tuyến giáp.
"Vì vậy, đối với các bệnh nhân ung thư và đặc biệt là bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi, đừng quá sợ hãi và lo lắng. Điều các bạn cần làm là tin tưởng vào y học, tin tưởng vào phương pháp điều trị của bác sĩ và tin tưởng vào sự mạnh mẽ của bản thân bạn. Hãy cùng chúng tôi đấu tranh và chiến thắng căn bệnh ác tính này", bác sĩ khuyến cáo.
Ảnh minh họa
Theo bác sĩ Ngô Quốc Duy, biện pháp tốt nhất để phòng tránh ung thư tuyến giáp nói riêng và các bệnh ung thư nói chung là nâng cao thể lực và kiến thức sức khỏe.
Cụ thể, xây dựng thói quen ăn uống khoa học: uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế các thực phẩm chiên, rán, nướng, ướp muối, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn. Đây là những món ăn không tốt cho cơ thể và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý ung thư. Vận động thể lực 30 phút mỗi ngày, vừa giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức đề kháng, vừa giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Trang bị kiến thức về ung thư tuyến giáp và các bệnh ung thư khác để chủ động bảo vệ sức khỏe cũng như phát hiện sớm bệnh lý ác tính. Fanpage Bệnh viện K và Khoa Ngoại Đầu cổ Bệnh viện K là 2 kênh thông tin chính thống, khoa học và hữu ích mà bạn có thể theo dõi.
Để tầm soát phát hiện ung thư tuyến giáp, bác sĩ Ngô Quốc Duy khuyến cáo các bạn trẻ nên khám sức khỏe tổng quát 1 năm/lần để phát hiện bệnh lý, đặc biệt với các bạn có yếu tố nguy cơ cao như có bố mẹ, anh chị em ruột mắc ung thư tuyến giáp hoặc có tiền sử xạ trị vùng cổ trước đó.
Ngoài ra, khi bạn sờ thấy hoặc nhìn thấy có khối xuất hiện vùng cổ hoặc có triệu chứng khàn tiếng, nuốt khó, nuốt vướng thì phải tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.