Hầu hết những biện pháp bố mẹ nghĩ là kỷ luật như: tét mông, mắng mỏ hay phạt trẻ úp mặt vào tường… lại không khiến trẻ nhận ra lỗi lầm, trở thành một người có ý thức và trách nhiệm hơn như vẫn tưởng. Thậm chí có những hình phạt khủng khiếp như vụ cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi người Nhật bị bố mẹ bỏ lại giữa rừng vì không nghe lời hay mới đây nhất là bé trai 5 tuổi người Pháp bị cha dượng phạt chạy đến kiệt sức rồi thiệt mạng vì tội tè dầm... đã để lại hậu quả khôn lường. Điều này hoàn toàn trái với mục đích ban đầu của cha mẹ: phạt con với hy vọng chúng biết cách cư xử hơn.
Phạt con bằng đòn roi hay la mắng không khiến chúng biết cách cư xử hơn (Ảnh minh họa).
Trên thực tế, trẻ em học theo những gì chúng quan sát từ cha mẹ chứ không phải theo những gì chúng được dạy. Vì thế, cách hiệu quả nhất để giáo dục con trẻ là làm gương cho chúng, đối xử với chúng theo cách mà chúng ta muốn thấy con mình đối xử với người khác: lòng độ lượng hay sự hiểu biết.
Nghiên cứu cho thấy: Càng phạt trẻ sẽ khiến chúng càng làm trái lời hơn
Phạt con khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên kém lành mạnh. Điều này nghĩa là con bạn sẽ thường xuyên ở trong trạng thái phòng thủ, dễ nổi nóng và khả năng lý luận, kỹ năng hợp tác của chúng đồng thời bị giảm. Lúc này, chúng nhanh chóng quên đi lỗi sai chúng cần sửa đổi, thay vào đó là cố gắng mọi cách để bảo vệ mình, nói dối để tránh bị phạt. Các hình phạt chính là bức tường vô hình ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.
Vậy làm thế nào để dạy trẻ mà không cần phạt chúng?
1. Cha mẹ tự kiểm soát cảm xúc của chính mình
Như chúng ta đã phân tích, con trẻ sẽ học theo những gì chúng quan sát bạn làm. Hãy nghĩ mình là một tấm gương. Đừng hành động thiếu kiểm soát khi bạn đang buồn, mà hãy hít thở sâu, đợi tới khi tâm trạng ổn định mới tới nói chuyện và giúp chúng và giải quyết vấn đề.
2. Thấu hiểu con trẻ
Trong cơn khủng hoảng, trẻ không nghe ai nói gì đâu. Vì vậy thay vì cố dạy bảo, hãy dành cho chúng một khoảng thời gian tĩnh tâm. Đây không phải sự trừng phạt giống như bỏ rơi, mà là giúp chúng ổn định lại tinh thần. Sau đó, tinh thần chúng sẽ ổn định và mở lòng nghe bạn nói hơn.
3. Xây dựng nền tảng cho con
Bạn có nhớ lần đầu tiên dạy con bạn ngồi bô không? Lúc ấy với một đứa trẻ, mọi thứ dường như thật rắc rối. Nhưng dần dần, chúng đã tập và có thể tự làm được. Cũng như vậy với những lần chúng được học cách nói cảm ơn, chờ tới lượt, sắp xếp đồ đạc, làm bài tập về nhà… Chính thói quen mà bạn giúp chúng định hướng bây giờ sẽ trở thành ý thức của chúng sau này. Vì vậy, việc la hét không có ích gì cho trí nhớ của chúng đâu.
4. Trò chuyện với con trước khi muốn chúng sửa sai
Khi con trẻ phạm lỗi, chúng đang xấu hổ đấy, vì vậy hãy giúp chúng mở lòng. Việc tạo ra kết nối ban đầu sẽ giúp đánh thức ý muốn nghe lời dạy của bạn từ con cái. Bởi vì sự giận dữ luôn phản tác dụng.
5. Thiết lập những nguyên tắc nhưng với sự tôn trọng
Trước khi đưa ra một nguyên tắc, sự cấm đoán, hãy giúp con trẻ hiểu vì sao bạn lại làm thế, hoặc đưa ra giải pháp mới cho chúng lựa chọn. Như vậy, chúng sẽ dễ dàng chấp nhận điều kiện của bạn hơn.
Ví dụ: "Con muốn chị đứng sang chỗ khác, nên con đẩy chị phải không? Nếu đẩy sẽ làm chị đau đấy. Lần sau con chỉ cần nói "Chị ơi đứng ra chỗ này đi".
"Đừng cắn như thế nhé! Con có thể đang rất tức giận, nhưng con có thể nói chuyện với anh mà".
6. Dạy con trẻ ý thức tự sửa chữa thay vì hối hận
Hãy bắt đầu dạy trẻ từ những bài học đơn giản nhất như: lấy khăn giấy và dạy con cách làm sạch khi con làm đổ sữa thay vì nói với chúng là đứa trẻ hư hay vụng về. Khi con bạn lớn hơn, hãy hướng chúng tìm ra giải pháp một vấn đề thay vì ngồi hối hận.
7. Hãy tìm hiểu nguyên nhân đằng sau các hành vi bất thường của con trẻ
Bạn cáu giận vì con mè nheo hay quấy khóc ư? Có thể chúng đang thiếu ngủ hay khó chịu trong người. Hãy nhớ việc tìm ra nguyên nhân vấn đề mới là mấu chốt.
8. Đừng ngần ngại nói "Có"
Phần lớn bọn trẻ sẽ vui vẻ làm theo đề nghị của cha mẹ nếu cha mẹ nói với chúng một cách yêu thương và hài hước. Vì vậy hãy chọn "có" thay vì "không" trong đề nghị của bạn.
Thay vì: "Không, con hết giờ chơi rồi đấy", hãy nói: "Đúng đấy con yêu, đã tới giờ chúng ta ăn cơm".
Khi con bạn lớn hơn, hãy hướng chúng tìm ra giải pháp một vấn đề thay vì ngồi hối hận. (Ảnh minh họa).
9. Thường xuyên tương tác với con
Hãy dành ra một khoảng thời gian trong ngày để trò chuyện với con và cùng chúng chơi một trò chơi. Điều này giúp cha mẹ - con cái lại gần nhau hơn, từ đó vấn đề con bạn gặp phải trong cuộc sống cũng dễ dàng chia sẻ.
10. Hãy nhớ rằng: Yêu thương chính là bí quyết lớn nhất
Dĩ nhiên là bạn yêu thương con mình, điều này không cần bàn cãi. Nhưng như thế chưa đủ, bạn còn cần yêu thương chính bản thân mình nữa. Nếu bạn cảm thấy tự tin về bản thân, con bạn cũng sẽ là người kiểm soát cảm xúc bản thân tốt. Sự chia sẻ và kết nối là bí quyết của cha mẹ và những đứa trẻ hạnh phúc.