Bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam gia tăng ở độ tuổi 25

Tăng huyết áp, còn được gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề biết là mình đang mắc phải. 

Khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì trái tim càng gặp khó khăn hơn trong việc phải làm việc để bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra chảy máu vào trong não. Điều này có thể gây ra một cơn đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến suy thận, mù lòa, vỡ mạch máu và suy giảm nhận thức.

Một khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần ý thức được việc thay đổi các thói quen lối sống không tốt và kiểm soát tốt huyết áp ngay từ giai đoạn đầu với sự hỗ trợ của bác sĩ. Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là để kéo dài tuổi thọ và tránh biến chứng đối với các cơ quan quan trọng như tim, não, thận và mắt.

Chúng ta đang sống trong một môi trường thay đổi nhanh chóng. Khắp nơi trên thế giới, có rất nhiều tác nhân mạnh mẽ đang ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ con người như lão hóa dân số, các vấn đề từ việc đô thị hóa ồ ạt và lối sống không lành mạnh. 

Thực tế cho thấy hiện các căn bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, ung thư, tiểu đường đã vượt qua các căn bệnh truyền nhiễm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Bệnh tim mạch đang là nguyên nhân dẫn đến con số 17 triệu người chết mỗi năm, chiếm gần 1/3 tổng số các ca tử vong trên toàn cầu. Trong số này, có 9,4 triệu ca tử vong là do biến chứng của tăng huyết áp. Tăng huyết áp đang chiếm ít nhất 45% các ca tử vong do bệnh tim mạch và 51% các ca tử vong do đột quỵ. 

Theo báo cáo của Hội Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn đối với y tế cộng đồng. Số liệu mới nhất từ chương trình phòng chống tăng huyết áp quốc gia cho thấy, tỷ lệ các ca mắc bệnh trên 25 tuổi chiếm 47,3%, con số này tương đương xấp xỉ 20,8 triệu bệnh nhân. Khả năng mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới với tỷ lệ tương ứng là 56,4% và 42,6%. 

du an
GS.TS Nguyễn Lân Việt cho biết tăng huyết áp đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn đối với y tế cộng đồng. (Ảnh: NH)

Cũng theo số liệu từ báo cáo trên, trong số 20,8 triệu bệnh nhân tăng huyết áp tại Việt Nam, chỉ có 17,7% (tương đương với 3,7 triệu người) kiểm soát được huyết áp của mình (duy trì được huyết áp ở mức <140/90 mmHg). Điều đó cho thấy 17,1 triệu bệnh nhân còn lại (chiếm hơn 82%) chưa được kiểm soát huyết áp đầy đủ (trong đó có khoảng 8,1 triệu người không biết mình có bệnh, 0,9 triệu người biết mình có bệnh nhưng không điều trị và 8,1 triệu người điều trị nhưng huyết áp không được kiểm soát đầy đủ).

GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam) cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người bị tử vong vì các bệnh tim mạch. Trong các bệnh tim mạch, tăng huyết áp là bệnh lý phổ biến nhất trong cộng đồng. Đây cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây nên nhiều biến cố tim mạch nguy hiểm, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.

Theo ông, ngay từ năm 2008, kết quả điều tra dịch tễ học tại 8 tỉnh thành phố của nước ta cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người lớn từ 25 tuổi trở lên đã là 25,1%. 

Những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của bệnh tăng huyết áp

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, những dấu hiệu đầu tiên của bệnh tăng huyết áp có thể là đau đầu, chóng mặt, cảm thấy có ruồi bay trước mắt, tiếng o o trong tai, đôi khi bệnh không có biểu hiện gì nhưng khi phát hiện thì đã bị tai biến mạch máu não (biểu hiện có thể là đang nói bình thường tự nhiên bị nhịu, méo miệng, rối loạn vận động, tê bì chân tay, liệt nửa người…). 

“Mỗi người cần nâng cao ý thức khám sức khỏe định kỳ và đo tăng huyết áp thường xuyên” là lời khuyên của GS.TS Nguyễn Lân Việt.

Làm thế nào để phòng tránh tăng huyết áp? Theo ông Việt, chúng ta cần học tập chương trình giáo dục của Canada: Nên ăn nhạt hơn, uống bia ít đi, bạn sẽ thấy tăng huyết áp giảm đi đáng kể.

Vị giáo sư này cho biết, có hai trường phái về bệnh tăng huyết áp, một là những đối tượng lo lắng kinh khủng, nhóm còn lại thì dửng dưng nghĩ chẳng làm sao cả. “Nhận thức của một bộ phận nhân dân, bác sĩ còn hết sức chủ quan với bệnh tăng huyết áp. Chúng ta không nên chủ quan với bệnh tăng huyết áp nhưng cũng không nên quá lo lắng”.

tre hoa tang huyet ap
Tăng huyết áp đang có xu hướng trẻ hóa tại Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

GS Jacques Blacher (Chủ tịch Hội Tăng Huyết áp Pháp) cũng chia sẻ: "Tại Pháp, chúng tôi khuyến nghị bệnh nhân giảm muối trong chế độ ăn. Kết quả đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa và giảm nguy cơ biến chứng do tăng huyết áp. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến nghị mọi người chú ý chế độ dinh dưỡng giàu rau quả, hạn chế rượu, bia, bỏ thuốc lá; hoạt động thể lực đều đặn 30-60 phút mỗi ngày; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress…".
 
GS Jacques Blacher đặc biệt nhấn mạnh, quan trọng là bạn phải kiểm soát huyết áp. Kiểm soát huyết áp tốt sẽ cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân. Ở Việt Nam, bệnh nhân còn nhiều lúng túng trong việc dùng thuốc như thế nào. Nhưng họ cần phải được tư vấn rất kỹ lưỡng rẳng huyết áp chỉ có thể giảm khi bệnh nhân dùng thuốc hàng ngày. Để dùng thuốc hàng ngày thì thuốc phải sẵn có và ít tác dụng phụ. Bệnh nhân phải được chẩn đoán, đo huyết áp thường xuyên khi nghỉ ngơi. Tất cả những yếu tố này phải được tác động cùng 1 lúc, cũng như tất cả phải cùng nhìn về một mục tiêu là đẩy lùi căn bệnh tăng huyết áp tại Việt Nam
 
Theo kinh nghiệm của GS Atul Pathak (Trưởng khoa Dược lâm sàng tim mạch, Bệnh viện Univ và khoa Y của ĐH Toulouse (Pháp), thói quen theo dõi huyết áp, cách bác sĩ tiếp xúc và động viên người bệnh sẽ tạo ra sự thay đổi lối sống về lâu dài của người bệnh, giúp việc điều trị đạt hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng, không nên lo lắng hay thờ ơ đối với chứng bệnh tăng huyết áp.
 
Bạn cần kiểm soát huyết áp toàn diện ngay từ đầu, bảo vệ tim mạch toàn diện ngay từ đầu với một thái độ hiểu đúng bệnh tăng huyết áp, thay đổi lối sống tích cực ngay từ đầu và tuân thủ điều trị lâu dài. GS Nguyễn Lân Việt khuyên, bạn có thể tìm thấy thông tin hữu ích về cách phòng ngừa và điều trị bệnh Tăng huyết áp do các chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới và Việt Nam chia sẻ tại trang web ngaydautien.vn. do Hội Tim mạch Việt Nam bảo trợ nội dung.