Bác sĩ Nguyễn Đình Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện, cảnh báo gần Tết Nguyên đán là thời điểm thủy đậu bùng phát. "Bệnh xảy ra vào thời điểm giao mùa và lây qua đường hô hấp, giọt bắn, lây trực tiếp khi tiếp xúc" - bác sĩ Quy nói.

Bác sĩ Quy khuyến cáo, trẻ mắc thủy đậu có thể mắc lại nếu thể trạng kém. "Thậm chí cả người lớn cũng mắc bệnh lại. Do đó, người chăm sóc trẻ cũng phải phòng ngừa bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên" - bác sĩ Quy nói.

Chu kỳ lây nhiễm của thủy đậu là 10 ngày kể từ khi phát ra bóng nước. Thủy đậu có thể gây ra những biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng máu, thậm chí có trường hợp viêm màng não. Cách phòng bệnh tốt nhất là đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ.

Theo bác sĩ Quy, nhiều người gọi thủy đậu là trái rạ nên có quan niệm mua rơm về tắm sẽ hết. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai. Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận điều trị trường hợp nhiễm trùng da do người nhà lấy rơm ngâm nước và tắm cho trẻ.

"Rơm rạ bản chất rất dơ vì lẫn bùn đất. Khi tắm, các bóng nước vỡ ra gây nhiễm trùng. Nếu xảy ra các biến chứng thì quá trình điều trị tốn kém và khó khăn hơn" - bác sĩ Quy cảnh báo.