Ngày 22/6, trao đổi với phóng viên, Bác sĩ Chuyên khoa 2 Đoàn Văn Lợi Em, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, thời gian gần đây khoa Khám bệnh ghi nhận sự gia tăng của các trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
“Trung bình mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân đến thăm khám với tình trạng da sẩn đỏ, mảng hồng ban trên da, kéo dài thành vệt gây đau rát, phù nề, có mụn nước hoặc mụn mủ, tổn thương có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, có trường hợp bị viêm da toàn thân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân ở mọi lứa tuổi đều có thể bị tổn thương da nếu tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang” - BS Em nói.
Theo BS Em, nguyên nhân gây ra dị ứng là do dịch tiết của côn trùng chứa độc tố Pederin, khi tiếp xúc với bề mặt da sẽ gây ra những phản ứng. Nếu không phát hiện, xử lý sớm dịch tiết sẽ lan rộng gây tổn thương, nặng nề hơn nếu chăm sóc không đúng cách và không giữ vệ sinh tốt sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng da, bội nhiễm.
Cũng theo BS Em, tổn thương da do kiến ba khoang khá giống với bệnh zona thần kinh (dân gian gọi là bệnh giời leo), nhiều bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm khiến việc điều trị trở nên khó khăn.
Kiến ba khoang là côn trùng thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển.
Để tránh những nguy hiểm do kiến ba khoang gây ra, BS Em khuyến cáo, khi phát hiện kiến ba khoang, không nên dùng tay trần để bắt, giết mà cần xua đuổi kiến ba khoang ra khỏi cơ thể. Trường hợp lỡ tay chà xát côn trùng trên da sau đó mới phát hiện là kiến ba khoang, cần nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý.
Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng hoặc xà phòng. Nếu da bị tổn thương nặng, cần đến gặp bác sĩ để có giải pháp điều trị phù hợp.