Mấy ngày nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa to đến rất to, gây ngập lụt nặng ở một số địa bàn. Nhiều nơi chìm trong biển nước, hàng nghìn người bị cô lập, trong đó có một người đã bị nước cuốn mất tích. Mưa lớn không ngớt đã nhấn chìm nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh như: Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú... khiến phương tiện không thể lưu thông.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn trên địa bàn một số địa phương đã ngập lụt: tại Hương Khê có 9 xã bị ngập lụt; huyện Kỳ Anh có 2 xã bị cô lập; huyện Cẩm Xuyên có 6 xã bị ngập... Tình hình mưa lũ ở miền Trung vẫn diễn ra hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu suy giảm.
Mưa lớn không ngớt đã nhấn chìm nhiều tuyến đường ở thành phố Hà Tĩnh. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Trước tình hình bão lũ diễn biến thất thường, bên cạnh những mối lo về tài sản, thực phẩm ăn uống còn là những dịch bệnh có thể bùng phát, thậm chí có những căn bệnh khiến bạn tử vong. Trong đó, mọi đối tượng tiếp xúc với đất, nước khi có mưa lũ lớn đều có thể mắc bệnh whitmore – căn bệnh có thể lấy đi tính mạng của bạn với xuất phát ban đầu chỉ là vết xước nhỏ.
Hình ảnh vết xước ban đầu của bệnh nhân whitmore. (Ảnh: TN)
Theo BS CKII Nguyễn Xuân Bảo (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh): Thời điểm mùa mưa, nhất là vào giai đoạn tháng 9-10, là thời điểm dễ bùng phát căn bệnh nguy hiểm này. Đó cũng là nguyên nhân đây là thời điểm bệnh nhân whitmore nhập viện tăng cao. Nguyên nhân vì sao thời điểm này khiến căn bệnh bùng phát được xác định ban đầu là do khi mưa, bão lũ nhiều, chúng ta có khả năng tiếp xúc với đất, nước nhiều hơn và khâu vệ sinh cũng trở nên lỏng lẻo hơn. Từ đó, vi khuẩn whitmore sinh sống trong đất, trong nước, không khí... dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.
Theo BS Trịnh Thị Vinh (trưởng phòng xét nghiệm vi sinh, Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh), sau khi tiếp nhận quy trình xét nghiệm đã phát hiện 31 ca bệnh trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến 12 năm 2015. Trong đó 11 ca đã tử vong do sốc nhiễm trùng máu. Cẩm Xuyên là huyện có số ca nhiễm cao nhất với 11 ca. "So sánh với các căn nguyên gây bệnh khác, chúng tôi thấy whitmore không phải là một loại bệnh hiếm gặp như nhiều người đang suy nghĩ. Thực tế, đây là căn bệnh đang bị lãng quên tại Việt Nam", BS Vinh khẳng định.
Hiểu đúng để phòng ngừa bệnh whitmore
BS CKII Nguyễn Xuân Bảo (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh whitmore từ khoảng 40% – 60%.
Đối với những trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Người bệnh có cơ địa tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính dễ mắc whitmore. Điều khó khăn hiện nay là bệnh whitmore có bệnh cảnh lâm sàng đa dạng phức tạp, bệnh nhân có thể nhập viện ở nhiều chuyên khoa khác nhau như truyền nhiễm, hô hấp, cơ - xương - khớp, nội tiết, da liễu, ngoại khoa… do đó có thể khiến bác sĩ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…
Theo BS Bảo, whitmore là căn bệnh khó phát hiện, quá trình điều trị cũng hết sức khó khăn vì người bệnh phải sử dụng kháng sinh liều cao tấn công liên tục kéo dài trong ít nhất khoảng 2 tuần, sau đó tiếp tục sử dụng kháng sinh duy trì 3-6 tháng nữa. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát và sức khỏe người bệnh cứ suy kiệt dần.
“Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi, xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí, nhiễm trùng đường tiết niệu… Những dấu hiệu này thường xuất hiện nhiều ở bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mắc các bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp, thường xuyên với đất như nông dân. Đối tượng người già rất dễ mắc vì thường có hệ miễn dịch yếu”, BS Bảo cảnh báo.
“Chưa hết, đôi khi chỉ là một vết xây xát nhỏ nhưng khi được tiếp xúc với môi trường đất, nước có vi khuẩn whitmore thì nguy cơ bạn bị nhiễm trùng, thậm chí tử vong là điều hoàn toàn có thể xảy ra”, TS Quế Anh Trâm (trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An) khẳng định.
Vi khuẩn gây bệnh whitmore sống trong đất, nước...
Do đó, trước tình hình mưa lũ diễn biến hết sức phức tạp tại miền Trung hiện nay và bão lũ có khả năng hoành hành tại miền Bắc ngay trong đêm nay, chúng ta cần nâng cao ý thức cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này. Để phòng tránh căn bệnh whitmore, các chuyên gia cảnh báo, mọi người, đặc biệt là những người dân đang phải sống trong khu vực bị bão lũ hoành hành cần lưu ý:
- Vi khuẩn whitmore không phải tự nhiên từ “trên trời rơi xuống” mà có sẵn trong đất. Trong quá trình, làm việc, đi lại, nếu phải đi chân đất, lao động thiếu phương tiện phòng hộ thì rất dễ bị tấn công. Do đó người dân cần tăng cường các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động cũng như trong sinh hoạt.
- Đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ, đặc biệt là bàn tay bàn chân luôn phải sạch. Nếu tay chân dính bùn đất cần phải rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô trước khi muốn làm việc gì tiếp theo.
- Trong môi trường khói bụi, gió thổi cuốn bụi đất lên thì con người dễ hít phải và có khả năng hít cả vi khuẩn whitmore, chúng nằm sẵn trong phổi và chờ hệ miễn dịch yếu thì tấn công. Do đó khi đi bên ngoài cần đeo khẩu trang kháng khuẩn, che kín cẩn thận. Sau khi về nhà cần vứt bỏ khẩu trang và dùng cái mới cho lần đi ra đường lần sau. Việc che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi là điều bạn phải làm ngay, không chỉ phòng tránh whitmore mà rất nhiều căn bệnh khác.
Lưu ý: Hiện nay whitmore là căn bệnh chưa có vắc-xin tiêm phòng, cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng. Do đó những biện pháp phòng tránh trên mặc dù rất căn bản nhưng chúng ta không được chủ quan.