Bệnh có khả năng lây trực tiếp từ người sang người, bùng nổ thành dịch với tỉ lệ tử vong cao; được phân loại thuộc Nhóm A trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Việt Nam.

Từ một loài dơi

Năm 1967, có hai vụ dịch xảy ra đồng thời tại vùng Marburg, Frankfurt (Đức) và Belgrade (Serbia), các nhà khoa học đã xác định được tác nhân gây bệnh là một loài virus mới và thống nhất tên gọi là virus Marburg.

Ban đầu, bệnh có tên gọi là sốt xuất huyết Marburg (Marburg haemorrhagic fever), do người bệnh có biểu hiện sốt cao và xuất huyết ở giai đoạn toàn phát. Bệnh nhân thường tử vong trong bối cảnh sốc nặng do suy sụp tuần hoàn vì mất máu.

Tỉ lệ tử vong tùy thuộc vào chủng virus gây bệnh và khả năng quản lý, xử lý dịch và có tỉ lệ trung bình dao động từ 24 đến 88%. Tại Đức (1967) tử vong 7/29 trường hợp mắc Marburg chiếm 24% và tại Angola (2005) tử vong 329/374 mắc bệnh chiếm 88%.

Vật chủ trung gian truyền bệnh trong tự nhiên là một loài dơi ăn quả có tên Rousettus Aegyptiacus, thuộc họ dơi Pteropodidae. Ban đầu, các trường hợp mắc bệnh Marburg được ghi nhận từ những người làm việc lâu trong các hầm mỏ hoặc hang động có sự sinh sống của loài dơi Rousettus Aegyptiacus.

Từ loài dơi đó, virus Marburg xâm nhập và gây bệnh cho người. Sau đó từ người bệnh, virus sẽ lây lan sang người lành bị tổn thương da hay niêm mạc qua sự tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, thân thể của người bệnh và các đồ dùng nhiễm virus từ chất thải của người bệnh.

Đối tượng nguy cơ thường là các nhân viên y tế, người chăm sóc bệnh nhân, người đi thăm bệnh và nhân viên của các dịch vụ mai táng.

Các nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đang mang thai mắc bệnh thì virus Marburg tồn tại trong nhau thai, dịch ối và thai nhi. Ở các bà mẹ cho con bú thì virus này có thể hiện diện trong sữa mẹ.

Người khỏi bệnh vẫn có khả năng lây truyền cho người khác chừng nào trong máu họ vẫn còn virus. Ở nam giới khỏi bệnh Marburg, virus có thể tồn tại ở những vị trí có đặc quyền miễn dịch như tinh hoàn và bên trong mắt.

Thời gian ủ bệnh và các biểu hiện thường gặp

Cảnh báo khả năng xuất hiện bệnh Marburg tại Việt Nam - Ảnh 1.

Minh họa/INT.

Thời gian ủ bệnh, nghĩa là khoảng thời gian từ lúc nhiễm virus Marburg cho đến khi có những biểu hiện đầu tiên dao động từ 2 đến 21 ngày.

- Khởi bệnh: Người bệnh đột ngột sốt cao, nhức đầu dữ dội và mệt mỏi nhiều. Đau nhức các cơ bắp là biểu hiện mang tính phổ biến. Đau vùng bụng, chuột rút, buồn nôn, nôn, tiêu chảy nặng có thể xảy ra vào ngày thứ 3 của bệnh. Tiêu chảy có thể kéo dài cả tuần.

Diện mạo của bệnh nhân trong giai đoạn này được mô tả như là một “bóng ma” (ghost-like) với hai mắt trũng sâu, vẻ mặt vô cảm và cực kỳ thờ ơ. Sau khởi bệnh, từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7 ban da có thể xuất hiện với đặc điểm không ngứa gặp ở hầu hết bệnh nhân.

- Thời kỳ toàn phát: Nhiều bệnh nhân bị xuất huyết nghiêm trọng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 của bệnh và các trường hợp tử vong thường do xuất huyết ở nhiều vị trí như nôn ra máu, đại tiện phân máu, chảy máu mũi, lợi răng và âm đạo, chảy máu tự phát khá nghiêm trọng tại các vị trí chọc kim vào tĩnh mạch để tiêm truyền hoặc lấy mẫu máu xét nghiệm.

Trong giai đoạn nặng, người bệnh sốt cao liên tục và có các biểu hiện của hệ thống thần kinh trung ương như lú lẫn, kích thích và gây hấn. Đôi khi, viêm tinh hoàn một hoặc cả hai bên trong giai đoạn cuối của bệnh (khoảng ngày thứ 15).

Tử vong thường xảy ra vào ngày thứ 8 hoặc 9 sau khi khởi phát. Người bệnh chết do mất máu nhiều và sốc nặng.

Nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì bệnh Marburg khó phân biệt được với các bệnh viêm màng não, lỵ, thương hàn, sốt rét và các bệnh sốt xuất huyết do virus khác. Việc xác định chẩn đoán bệnh Marburg đòi hỏi các xét nghiệm chuyên sâu về virus (như ELISA, RT-PCR, nuôi cấy phân lập virus, soi kính hiển vi điện tử…).

Hướng điều trị và phòng bệnh

Hiện tại, không có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, việc chăm sóc hỗ trợ như bù dịch qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch và điều trị các triệu chứng cụ thể cho bệnh nhân sẽ cải thiện khả năng sống còn và làm giảm tỉ lệ tử vong.

Một loại kháng thể đơn dòng như Remdesivir và Favipiravir đang được sử dụng trong các nghiên cứu cho bệnh Ebola (EVD: Ebola Virus Disease - Bệnh nhiễm virus Ebola) cũng được dùng để nghiên cứu trong bệnh Marburg.

Các nhà chuyên môn đã đưa ra những khuyến cáo với mục đích làm giảm nguy cơ mắc bệnh như sau:

- Giảm nguy cơ lây lan từ dơi sang người: Thợ mỏ và du khách thám hiểm hang động nơi có các loài dơi ăn quả sinh sống cần mang găng tay, khẩu trang và áo quần bảo hộ. Trong khi dịch bùng phát, tất cả các thức ăn có nguồn gốc động vật cần được nấu chín trước khi sử dụng.

- Giảm nguy cơ lây lan người - người trong cộng đồng: Tránh sự tiếp xúc gần với người bệnh Marburg và các chất tiết của họ. Sử dụng găng tay và các phương tiện phòng vệ cá nhân phù hợp khi chăm sóc người bệnh. Rửa tay ngay sau khi thăm viếng hoặc tiếp xúc với người bệnh.

- Nơi có bệnh/ dịch Marburg: Đảm bảo người dân có được những thông tin đầy đủ về đặc điểm của bệnh và các biện pháp phòng tránh cần thiết.

- Các biện pháp ngăn chặn bùng phát: Vệ sinh môi trường sạch sẽ. Cách ly người nghi mắc bệnh Marburg. Chôn cất người chết vì bệnh Marburg nhanh chóng và đúng quy định. Xác định những ai tiếp xúc với người bệnh Marburg và theo dõi tình trạng sức khỏe của họ trong vòng 21 ngày.

- Giảm nguy cơ lây qua đường tình dục: Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nam giới mắc bệnh Marburg cần thực hiện tình dục an toàn trong vòng 12 tháng sau đó hoặc xét nghiêm tinh dịch hai lần đều âm tính với virus Marburg.

Theo Tư liệu của WHO