Những tuần gần đây, thời tiết miền Bắc đang giai đoạn giao mùa với đặc trưng không khí lạnh ẩm, riêng Hà Nội còn chịu ảnh hưởng không khí ô nhiễm trầm trọng khiến cho số trẻ mắc bệnh về hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 100-120 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi..., nghi ngờ mắc cúm.
Sai lầm của cha mẹ khi dùng khăn sữa lau cho trẻ bị cúm
Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Một trong những triệu chứng phổ biến của trẻ bị cúm là sổ mũi, ho. Trong khi đó, trẻ nhỏ chưa thể tự xì mũi nên các mẹ thường phải hỗ trợ trẻ làm sạch mũi dãi vương ra ngoài bằng cách dùng khăn sữa mềm lau cho con.
Cứ nghĩ rằng đây là cách vệ sinh mũi dãi an toàn cho trẻ nhỏ vì khăn sữa lành tính lại sạch sẽ, tuy nhiên, cách làm này lại khiến trẻ bị bệnh chồng bệnh và mãi không khỏi. Vì sao lại như vậy?
Trả lời trên một tờ báo, TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, cho biết dùng khăn sữa lau mũi cho trẻ bị cúm hoặc khi sổ mũi là thói quen sai lầm. Lý do bởi trong trường hợp bé bị cúm, sau mỗi lần dùng khăn sữa lau nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ, virus cúm vẫn bám lại trên khăn, việc tái sử dụng khiến bệnh chồng bệnh và cứ quẩn quanh không thể khỏi được.
Vệ sinh đúng cách cho trẻ mắc cúm
Nói về cách vệ sinh đúng cho bé khi bị nhiễm cúm, TS Lâm khuyến cáo, các mẹ cần vệ sinh đường hô hấp bằng cách vệ sinh mũi miệng. Tuy nhiên, chỉ nên dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Ngoài ra, các mẹ nên lưu ý những việc sau:
- Hàng ngày, cha mẹ nên nhỏ dung dịch nước muối sinh lý Natriclorid 9‰ vào mắt, mũi cho trẻ, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng đối với trẻ lớn.
- Thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng với nước sạch (vệ sinh cả bàn tay người chăm sóc và cả cho trẻ), hạn chế tối đa việc để trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc chỗ đông người hoặc người có biểu hiện bệnh. Khi trẻ ho, hắt hơi, sổ mũi, hướng dẫn trẻ dùng khăn giấy để che miệng và mũi. Nếu dùng tay, phải rửa tay sau khi ho hay hắt hơi, quẹt vào mũi, miệng.
- Nếu người trong nhà bị cúm, cần đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho trẻ.
- Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, đồ dùng cho trẻ.
Khăn sữa là nơi chứa ổ bệnh mà các mẹ không hay biết
Khăn sữa là một trong nhiều vật dụng không thể thiếu khi chăm sóc trẻ nhỏ. Với tính chất mềm mỏng, nhẹ nhàng êm dịu thấm hút tốt, các mẹ tin dùng khăn sữa cho bé cho nhiều công dụng khắc nhau như lau mặt, lau mũi, lau người...
Tuy nhiên, với khả năng hút ẩm tốt, nó cũng là nơi nuôi vi khuẩn nhiều hơn, tốt hơn các loại vải khác. Nếu sử dụng không đúng cách có thể biến khăn sữa thành ổ bệnh, đặc biệt là đang mùa dịch bệnh virus cúm hoành hành như hiện nay.
- Sau khi dùng xong mẹ phải giặt thật sạch, phơi thật khô rồi sau đó mới tái sử dụng cho con.
- Phân chia mỗi loại khăn sữa theo mục đích sử dụng và giặt riêng, phơi riêng, tránh trường hợp khăn lau mặt lại nhầm lẫn dùng để lau mông cho bé, như vậy rất mất vệ sinh đó dễ làm bé bị viêm nhiễm da hay giun sán.
- Có thể tiệt trùng khăn sữa bằng cách cho khăn vào lò vi sóng hoặc luộc trong nước sôi khoảng 1 lần/tuần.
- Nên thay khăn thường xuyên khoảng 3 tháng/lần và thay khăn mới nếu khăn bị khô xơ, khăn bị nhớt, có mùi hôi, chuyển màu.
- Phơi khăn ở nơi thoáng mát, thoáng khí, dưới nắng mặt trời.