Đây là nhóm đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phòng chống HIV
Có thể nói năm 2020, nhiều hoạt động về phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai mạnh mẽ. Việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện và 100% tỉnh/thành phố đã triển khai xét nghiệm khẳng định HIV. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Tính đến 30/6/2020, triển khai tư vấn xét nghiệm cho 1.744.418 lượt người, trong đó số lượt người có kết quả dương tính với HIV là 15.829 trường hợp, chiếm 0,91%.
Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên; triển khai điều trị PrEp dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, tính đến 30/9/2020, chương trình Methadone đã được triển khai tại 340 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 52.440 bệnh nhân; 150.984 bệnh nhân HIV điều trị bằng thuốc kháng ARV (có 652 điểm cấp phát thuốc tại xã phường) và có 13.265 khách hàng đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Và mới đây, ngày 16/11/2020 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) đã được Quốc hội thông qua.
Qua đó, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp/100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 mà Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra.
Cảnh báo hình thái lây nhiễm mới
TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Dịch HIV/AIDS đang có xu hướng giảm nhưng hình thái lây nhiễm HIV có sự thay đổi, xuất hiện các nhóm quần thể có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV mới. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Trong nhóm này nguy cơ lây nhiễm HIV chủ yếu ở người trẻ tuổi có hành vi không an toàn như: Ít sử dụng bao cao su, sử dụng ma túy, quan hệ tình dục với nhiều người…
Trong khí đó, nguồn kinh phí viện trợ hiện đang cắt giảm nhanh, các nguồn tài chính trong nước (ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế) chưa kịp bù đắp sự thiếu hụt tài chính này. Do đó với các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó định mức chi cho một số hoạt động khó tạo động lực cho triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng thấp không khuyến khích các đồng đẳng viên đi lại nhiều lần để tiếp cận với những người có nguy cơ cao...
Để hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, TS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Cần tăng cường hơn nữa cam kết chính trị, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh hoạt động chuyên môn (triển khai các hoạt động theo 11 giải pháp đã được nêu trong Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030); phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS; định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch; mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả và tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AID cũng như tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS…