Tổng cục Môi trường cho biết, trong thời gian từ ngày 3/6 đến nay, chất lượng không khí tại một số tỉnh miền Bắc có xu hướng suy giảm vào ban đêm, một trong những nguyên nhân chính là hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ biến.

“Thời gian này thời tiết khô ráo, có nắng mạnh vào ban ngày, rơm rạ ở tình trạng khô thuận lợi cho việc đốt. Tại khu vực nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại vào 20 – 22 giờ hàng ngày”, đại diện Tổng cục Môi trường chia sẻ.

Tại khu vực nội thành Hà Nội, hoạt động đốt rơm rạ không diễn ra trực tiếp, tuy nhiên trong những ngày gần đây hàm lượng bụi mịn PM2.5 cũng tăng cao vào thời gian buổi tối. Thời gian hàm lượng PM2.5 cao nhất từ 23 giờ đến 1h sáng hôm sau, trễ hơn so với các khu vực ngoại thành.

Do kết hợp với các nguồn thải sẵn có, hàm lượng bụi PM2.5 khu vực nội thành Hà Nội vào buổi tối cao hơn so với khu vực ngoại thành. Kết quả tính toán chỉ số AQI giờ cho thấy, vào buổi tối (từ 23 giờ đến 1 giờ ) các ngày từ ngày 3/6 đến 7/6, chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151 – 200). Trong đêm ngày 6/6, rạng sáng ngày 7/6 chất lượng không khí đã ở ngưỡng rất xấu (AQI từ 201 – 300).

Theo ghi nhận của hệ thống theo dõi chất lượng không khí PAM Air, riêng vào tối 6/6, chất lượng không khí lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe mọi người). Cá biệt xuất hiện nhiều điểm đo lên ngưỡng nâu (nguy hiểm đến sức khỏe mọi người) như điểm đo tại Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội), điểm đo tại trường tiểu học Hoa Sen (Ba Đình), trở thành buổi tối ô nhiễm không khí nhất từ đầu năm.

Cảnh báo: Người dân Hà Nội hạn chế hoạt động ngoài trời vào buổi tối - Ảnh 1.

Chất lượng không khí tối thứ Bảy tuần trước (6/6) tại Hà Nội, theo ghi nhận của PAM Air.

Đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng, ngoài việc đốt rơm rạ là nguyên nhân phát sinh chất ô nhiễm, thì các yếu tố khí tượng cũng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí vào ban đêm. 

Trong tháng 6, mặt trời đi quan thiên đỉnh 2 lần tại Hà Nội, cường độ bức xạ mặt trời là mạnh nhất trong năm. Ánh sáng chói chang rọi vuông góc xuống đất khiến mặt đất bị đốt nóng đến 400W/m2, sau chập tối nguội đi vì phát ra bức xạ hồng ngoại, gây nghịch nhiệt sát mặt đất. Do đó, các chất ô nhiễm do đốt rơm rạ và các hoạt động khác không thể phát tán.

Ngoài ra, cường độ bức xạ cao gây ra các phản ứng quang hóa giữa các chất ô nhiễm sơ cấp làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm.

Tổng cục Môi trường chia sẻ, hoạt động đốt rơm rạ còn có thể tiếp tục xảy ra trong những ngày tới, vì vậy mọi người cần giảm các hoạt động ngoài trời vào buổi tối.

Các chuyên gia khuyến cáo, những ngày này, người dân nên cập nhật thường xuyên chất lượng không khí buổi tối. Trường hợp ô nhiễm lên ngưỡng đỏ trở lên, người dân nên đóng cửa, hạn chế tối đa việc ra ngoài nhằm giảm tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe. Trường hợp phải ra ngoài cần đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5

Theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất lượng, Tổng cục Môi trường cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường quy định rơm rạ phải tái chế, sản xuất phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng người dân. Hai là cấm đốt phụ phẩm nông nghiệp.

PGS.TS Hoàng Thu Hương, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đốt rơm rạ cho thấy, cho thấy bà con đang thiếu giải pháp để giải quyết. Căn cứ trên quy định mới của Luật về vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, sẽ có chính sách khuyến khích các nghiên cứu về xử lý rơm rạ cũng như chính sách hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này.