Mới đây, mạng xã hội Trung Quốc xôn xao vụ việc: Bé 3 tháng tuổi tử vong trong cũi vì mẹ tham gia khóa học "Để mặc trẻ khóc" (cry it out) của một trung tâm đào tạo chăm sóc trẻ sơ sinh tại Quảng Đông.
Để được học tại trung tâm này, người bé đã đóng mức học phí là 7000 NDT (khoảng 23 triệu đồng). Chị đã áp dụng phương pháp này với đứa con 3 tháng tuổi của mình.
Người mẹ đặt con nằm trong cũi rồi đi ra ngoài phòng, sau đó theo dõi bé qua camera lắp trên cũi. Trong 1 giờ đầu tiên, đứa trẻ gào khóc dữ dội. Người mẹ muốn vào bế con nhưng người hướng dẫn tại trung tâm này vẫn luôn động viên chị để mặc con và kiên nhẫn chờ đợi bé nín khóc.
Hơn một tiếng sau, bé ngừng khóc, nhưng người mẹ không vào kiểm tra ngay mà đinh ninh là con đã ngủ. Mãi cho đến giờ bú sữa, chị vào gọi con thì phát hiện ra đứa trẻ đã ngừng thở. Người mẹ vô cùng hối hận, đau khổ và tự dằn vặt mình. Em bé đã tử vong 1 cách oan ức chỉ vì kỳ vọng muốn luyện con tự ngủ của mẹ.
Vụ việc làm dấy lên làn sóng phải đối phương pháp luyện con tự ngủ "Để mặc trẻ khóc" (cry it out).
Phương pháp luyện ngủ "Để mặc trẻ khóc" là gì?
Phương pháp luyện con tự ngủ "Cry it out" là ý tưởng bắt nguồn từ những năm 1880. Khi đó giới Y khoa đang trong cơn rối ren vì phải đối mặt với bệnh truyền nhiễm và vi khuẩn. Mọi người tin rằng tốt nhất nên hạn chế sờ, chạm vào trẻ sơ sinh. Vì vậy bố mẹ sẽ luyện con tự ngủ, hạn chế ôm ấp và ru con.
"Cry it out" có nghĩa là để mặc cho trẻ sơ sinh khóc chán rồi sẽ tự "dỗ" mình ngủ. Lâu dần phương pháp này sẽ giúp trẻ trở thành người ngoan ngoãn, tự lập. Hoặc đơn giản là khi trẻ quấy khóc quá lâu khiến bố mẹ mệt mỏi và bất lực, "thôi thì" để con khóc mãi rồi cũng…nín.
Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học đã nhận định rằng phương pháp luyện ngủ "Để mặc trẻ khóc" (cry it out) đã quá lỗi thời và lạc hậu! Không những thế, phương pháp này còn gây hại cho trẻ nhiều hơn là giúp chúng tự lập.
Cảnh báo nguy hiểm phương pháp luyện con tự ngủ "Để mặc trẻ khóc"
Để mặc trẻ khóc (cry it out) – gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là não bộ
Bác sỹ Margot Sunderland, Giám đốc Khoa Đào tạo trung tâm Sức khỏe tâm lí trẻ em tại London cho biết: "Bất cứ đứa trẻ nào khó chịu, khóc quấy rồi cũng sẽ phải ngừng. Chẳng có gì gọi là thành công khi bố mẹ để mặc con tự khóc rồi sau đó thấy trẻ nín. Đấy gọi là quá trình "Phản kháng – Tuyệt vọng – Buông bỏ". Tôi rất ngạc nhiên nếu có bất cứ vị phụ huynh nào định sử dụng phương pháp "để mặc trẻ khóc" nếu họ biết được điều gì xảy ra với não bộ của trẻ sơ sinh khi sử dụng biện pháp này".
Theo vị bác sĩ, não của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, cực kỳ mong manh và dễ tổn thương. Việc trẻ khóc quá nhiều có thể dẫn đến con bị stress. Điều đó có thể gây ra những ảnh hưởng xấu tới hành vi cảm xúc và khả năng chịu đựng áp lực của trẻ về sau này. Hơn nữa, lượng stress dồn tụ lâu ngày do trẻ khóc quấy còn gây hại cho nhịp tim, nhịp thở, hệ thống miễn dịch và hô hấp cũng như ngăn chặn hormore tăng trưởng. Vị bác sĩ nhấn mạnh, những năm đầu đời con cần sự yêu thương, nâng niu và chở che của cha mẹ để hoàn thiện bộ não và cảm xúc của mình.
Để mặc con khóc gây ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Bác sĩ Howard Chilton, Chuyên gia tư vấn về trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Prince of Wales và Bệnh viện Royal tại Sydney (Úc) cho rằng: "Để trẻ tự khóc hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt sinh học. Trong những tháng đầu đời, các bé phải tương tác liên tục với cha mẹ, môi trường xung quanh trong quá trình phát triển, để hoàn thiện bộ não. Và quá trình này rất cần tới cảm giác được yêu thương, nâng niu và chở che từ bố mẹ, cảm giác thế giới bên ngoài tin cậy và an toàn.
Do đó, sẽ rất phản khoa học nếu biến giai đoạn này của trẻ thành quãng thời gian đen tối và đầy sợ hãi, bị bỏ mặc mà không có ai vỗ về, dỗ dành. Để con tự khóc là trái ngược với bản năng làm cha mẹ tự nhiên".
Trẻ sẽ thiếu tự tin và độc lập sau này
Khi cha mẹ để mặc con khóc, đứa trẻ sẽ gào thét chán rồi không khóc nữa, tự nhiên im bặt và cứ thế chơi hoặc ngủ một mình. Người lớn thấy vậy đừng vội mừng. Mọi người cứ nghĩ rằng trẻ nín khóc là trẻ đã hết khó chịu. Nhưng sự thật lại không phải vậy.
Một đứa trẻ luôn im lặng, không ồn ào, không thể hiện cảm xúc ra ngoài, chưa chắc là chúng đang ổn. Có thể con đang rất khó chịu, cô đơn, buồn bã... thậm chí là trầm cảm nhưng không thể hiện ra bên ngoài. Trẻ sẽ tự sống khép mình, không cởi mở, không dễ dàng chia sẻ. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc giao tiếp của chúng.
Để mặc trẻ khóc khiến con kém thông minh, chậm phát triển
Trung tâm trẻ em Hoa Kỳ đã có những nghiên cứu và kết luận rằng, những bé nào mà bị mẹ để mặc kệ cho khóc sẽ bị chậm phát triển hơn trẻ em bình thường về khả năng vận động cũng như khả năng giao tiếp xã hội cơ bản nhất. Những em bé này có chỉ số IQ thấp hơn khoảng 9 điểm so với trẻ khác ở độ tuổi lên 5 và khó kiềm chế cũng như điều khiển cảm xúc của mình hơn trẻ cùng lứa tuổi.
Trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề, khó khăn của cuộc sống. Chúng tự xoay sở giải quyết các vấn đề, mâu thuẫn mà không muốn chia sẻ với bố mẹ. Khi chưa đủ sức gánh vác và giải quyết, có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực khó lường, kể cả việc trẻ tự tử vì vô vọng.
Phương pháp luyện con tự ngủ "Để mặc trẻ khóc" ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình
Một đứa trẻ bị bỏ mặc khi khóc sẽ thường ít nhờ vả cha mẹ khi chúng cần. Bởi con không cảm nhận được sự yêu thương của cha mẹ. Con cũng cảm thấy rằng bản thân không thể chờ mong điều gì ở người lớn. Những lúc con khó chịu, buồn bực, gào khóc thì người lớn lại bỏ mặc. Điều đó khiến đứa trẻ cảm thấy ám ảnh, buồn bã và cô đơn.
Có thể ảnh hưởng đến sữa mẹ
Renee Kam, chuyên gia tư vấn được chứng nhận quốc tế về Nuôi con bằng sữa mẹ cũng cảnh báo về việc "Để mặc trẻ khóc" rằng, phương pháp luyện con tự ngủ này có thể ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Nguyên nhân là do, sữa mẹ sau 6 tuần tuổi sẽ tiết ra theo nhu cầu của bé. Trẻ bú mẹ ít đi thì cơ thể mẹ cũng tự động giảm tiết sữa.
Ngoài ra, phương pháp bỏ mặc con tự ngủ trong cũi không quan tâm có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm tính mạng. Bởi con có thể gặp Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Trẻ nằm ngủ không đúng tư thế dễ bị ngạt thở. Cha mẹ không ở bên can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Phương pháp luyện trẻ tự ngủ bằng cách "Để mặc trẻ khóc" vẫn còn rất nhiều tranh cãi. Trước khi lựa chọn cách này để rèn con tự ngủ, cha mẹ hãy cân nhắc đến những hậu quả nghiêm trọng mà phương pháp này mang lại cho con mình.