Khi bị ngứa, lở loét, nhiều người thường nghĩ tới các bệnh về da và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, tuy nhiên có những người điều trị da liễu gần chục năm, nhưng vẫn không khỏi. Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương mỗi ngày tiếp nhận hàng chục lượt bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo nuôi trong nhà. Đáng nói, đa số các bệnh nhân đều không được phát hiện sớm khiến vùng da tổn thương lan rộng.
Đi đủ nơi, chữa đủ cách, gần chục năm nay, người đàn ông này vẫn không biết mình bị bệnh gì, từ một vết ngứa trên tay giờ lan rộng khắp cơ thể. Đáng nói, đa số các bệnh nhân đều đang nuôi chó mèo, nhưng không ai nghĩ những thú cưng của mình lại gây bệnh giun đũa chó, mèo…
"Chỉ nghĩ chắc là dị ứng hay bị con gì đốt, chứ không bao giờ nghĩ nuôi chó, mèo bị ký sinh trùng, bị ngứa như thế này", anh Ngô Tiến Dũng, TP Hà Nội, cho biết.
"Phần lớn bệnh nhân có triệu chứng ban đầu là ngứa, nổi dị ứng trên da, có trường hợp đã được đi khám ở bệnh viện khác, hoặc tự mua thuốc bôi, chỉ đỡ được một thời gian sau đó lại phát bệnh trở lại. Rất ít bệnh nhân phát hiện ra bệnh sớm vì người ta không nghĩ đó là do ký sinh trùng", Bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cho hay.
Bệnh tiến triển nặng hơn vì không được chẩn đoán đúng. Đa số bệnh nhân tới viện trong tình trạng xuất hiện nhiều vết xước trên da. Có đến 2/3 số bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ bị nhiễm giun đũa chó, mèo mỗi ngày. Theo các bác sĩ, ấu trùng giun đũa chó, mèo chỉ ký sinh ở chó, mèo, khi người bị lây nhiễm, ấu trùng sẽ thâm nhập qua niêm mạc ruột đi vào hệ bạch huyết gây bệnh ở người.
"Xét nghiệm chẩn đoán điều trị sớm thì sẽ cải thiện nhiều. Có những bệnh nhân để lâu quá sẽ bị tổn thương ở gan, phổi.., thậm chí ở não", TS. BS. Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thông tin.
Nhiều người nuôi thú cưng có thói quen tiếp xúc gần như chơi, ngủ cùng chúng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn bệnh tật. Do đó, để phòng tránh nhiễm giun đũa chó, mèo, cần thường xuyên vệ sinh, tắm rửa cho thú cưng; tẩy giun sán cho chó, mèo định kỳ 3 - 6 tháng/lần; không để phân chó, mèo phát tán ra môi trường...