Đang chăm con tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) hậu COVID-19, chị Vũ Thị Hương (trú tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết: Con trai chị năm nay tròn 7 tuổi. Cách đây hơn 1 tháng, cháu có biểu hiện sốt, gia đình cho cháu uống thuốc hạ sốt và thấy cháu trở lại bình thường, không còn sốt hay mệt nên gia đình không test COVID-19 cho cháu.
Tuy nhiên, cách đây 4 ngày, cháu liên tục sốt cao không có cách nào hạ sốt được nên gia đình đưa cháu nhập viện, sau khi các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy cháu bị MIS-C hậu COVID-19.
"Do không nghĩ con mình mắc COVID-19 vì thế gia đình chủ quan không theo dõi hậu COVID-19 nên không biết cháu mắc MIS-C để đưa cháu nhập viện sớm hơn. Những ngày đầu nhập viện, cháu sốt gần 41 độ C, ăn vào là nôn khiến tôi lo lắng vô cùng" - chị Hương chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Chí Vũ (trú tại phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến giờ vẫn còn nguyên cảm xúc lo lắng và bất ngờ khi các bác sĩ cho biết con gái của anh mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19.
Theo anh Vũ, cách đây 1 tháng, con anh mắc COVID-19. Vì cháu hầu như không có biểu hiện gì nên sau 5 ngày theo dõi tại nhà, kết quả test nhanh của cháu âm tính nên gia đình khá yên tâm. Tuy nhiên, cách đây 5 ngày, cháu đột nhiên sốt cao liên tục nhiều ngày không cắt được cơn sốt, người bắt đầu nổi phát ban, chóng mặt, đau đầu, nôn ói, không ăn uống được gì. Gia đình đưa cháu nhập viện, làm xét nghiệm cho kết quả cháu bị MIS-C.
"Khi đưa vào bệnh viện, con tôi đã ở mức độ nặng. Rất may được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đến nay, sức khỏe cháu đã dần ổn định, cháu đã hết sốt, bắt đầu ăn uống lại được. Trước đây, tôi cứ nghĩ hội chứng MIS-C chắc không có gì nghiêm trọng, nhưng khi con mình bị, tôi mới thấy việc theo dõi trẻ để phát hiện kịp thời các triệu chứng MIS-C hậu COVID-19 là điều hết sức cần thiết" - anh Vũ nói.
Theo TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hội chứng MIS-C là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em vào thời điểm khoảng 4 - 8 tuần sau khi mắc COVID-19. Đây là phản ứng miễn dịch rất nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm cho trẻ, để lại nhiều di chứng hoặc dẫn tới tử vong.
Trong 1 tháng gần đây, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận trên 10 ca mắc MIS-C hậu COVID-19, trong đó có những trẻ có biểu hiện rất nặng, tổn thương tim, các cơ quan, rất may tất cả các trường hợp đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong.
MIS-C hậu COVID-19 tiến triển rất nhiều mức độ, từ nhẹ, trung bình đến nặng. Thường khoảng 4 - 8 tuần, trung bình là 6 tuần sau khi trẻ mắc COVID-19, trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trên 3 ngày, phát ban, tiêu chảy, mắt đỏ, môi đỏ, lưỡi dâu, lừ đừ, tay nổi hồng ban… sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán mắc MIS-C hậu COVID-19 và được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Nếu trẻ mắc MIS-C hậu COVID-19 không được điều trị thì trẻ sẽ bị tổn thương tim, gây suy tim, tổn thương mạch vành, thậm chí tử vong.
"Hội chứng MIS-C hậu COVID-19 không tùy thuộc vào mức độ mắc COVID-19 nặng hay nhẹ, có thể trẻ mắc COVID-19 nhẹ thoáng qua không biểu hiện triệu chứng nhưng trẻ vẫn có thể mắc MIS-C hậu COVID-19. Phụ huynh cần lưu ý, hậu COVID-19 có rất nhiều triệu chứng nhưng MIS-C hậu COVID-19 là biến chứng nặng. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc COVID-19, từ sau 4-8 tuần nếu trẻ có các triệu chứng MIS-C hậu COVID-19 thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra" - bác sĩ Minh khuyến cáo.
Các trẻ sau khi bị MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kỳ mỗi tháng, trong ít nhất 3 - 6 tháng sau đó hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch.
Hội chứng MIS-C hậu COVID-19 rất nguy hiểm đối với trẻ. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và nhập viện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp mắc hội chứng MIS-C sẽ có đáp ứng tốt.
Do đó, phụ huynh không nên chủ quan mà cần theo dõi trẻ ít nhất từ 4 - 8 tuần sau khi trẻ mắc COVID-19. Để trẻ không mắc hội chứng MIS-C hậu COVID-19, nên bảo vệ trẻ, tránh không để trẻ mắc COVID-19, đồng thời cho trẻ tiêm vaccine COVID-19 để giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ bệnh nặng và giảm tỷ lệ tử vong khi mắc COVID-19.