Ngoài tính năng thanh toán, thẻ tín dụng còn có 1 tính năng rất được quan tâm khác đó chính là rút tiền mặt. Việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng có thể được thực hiện trực tiếp tại cây ATM hoặc gọi điện đến tổng đài của ngân hàng phát hành thẻ.

Tuy nhiên do chính sách khuyến khích chi tiêu không dùng tiền mặt từ các ngân hàng, phí và lãi suất rút tiền từ thẻ tín dụng lại khá cao khiến nhiều người ngần ngại.

Nắm bắt tâm lý này, dịch vụ quẹt thẻ tín dụng "chui" đã ra đời và nở rộ tại nhiều thành phố lớn. Đây là dịch vụ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn khiến khách hàng gặp phải những hiểm họa khôn lường.

Rút tiền mặt hợp pháp từ thẻ tín dụng: Phí và lãi suất cao, không được rút 100% hạn mức

Quẹt thẻ tín dụng "chui" và những hiểm họa khôn lường chị em cần hiểu rõ - Ảnh 1.

Các ngân hàng hiện hành đều cho phép khách hàng rút tiền mặt từ thẻ tín dụng theo 2 cách, một là rút trực tiếp tại cây ATM, hai là gọi điện đến tổng đài của ngân hàng phát hành thẻ. Một số lưu ý quan trọng khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng:

- Hạn mức rút tiền mặt: Thông thường các ngân hàng chỉ cho phép rút tiền mặt 70% hạn mức thẻ tín dụng. Một số ngân hàng cho phép khách hàng rút tiền mặt 100% hạn mức, tuy nhiên chỉ trong trường hợp khách hàng có tài sản thế chấp hoặc lịch sử tín dụng minh bạch.

- Phí rút tiền mặt: Các ngân hàng thu phí rút tiền mặt tại cây ATM khá cao, dao động từ 1-4%/ giao dịch. Ví dụ bạn muốn rút 10.000.000 VNĐ tiền mặt từ thẻ tín dụng, bạn sẽ bị tính phí 4% là 400.000 VNĐ, như vậy số tiền bạn phải trả cho ngân hàng sau đó là 10.400.000 VNĐ.

Trong trường hợp bạn rút tiền mặt bằng cách gọi điện thoại qua tổng đài, mức phí rút tiền của bạn chỉ từ 1-2%/ giao dịch.

- Lãi suất: Ngay sau khi thực hiện rút tiền mặt thẻ tín dụng, số tiền khách hàng rút sẽ được tính lãi. Mức lãi suất này được ngân hàng quy định và khác nhau tùy từng ngân hàng, bình quân vào khoảng 25-35%/năm.

Ngoài mức lãi suất trên, ngân hàng còn tính lãi suất trả chậm theo như quy định ban đầu khi phát hành thẻ trong trường hợp khách hàng chưa thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng sau 45 ngày hưởng lợi ích không lãi suất.

- Điểm tín dụng: Các ngân hàng thường kiểm soát rất kỹ mọi giao dịch từ thẻ tín dụng. Việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ không có lợi cho bạn khi thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng như: gia tăng hạn mức tín dụng, sử dụng các dịch vụ khác của ngân hàng…

Thủ tục quẹt thẻ tín dụng "chui": Giao trứng cho ác

Việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua cây ATM bị thu mức phí và lãi suất cao khiến nhiều người ngần ngại. Dịch vụ quẹt thẻ tín dụng "chui" ra đời từ đó, là hình thức bất hợp pháp để chủ thẻ tín dụng rút tiền mặt với mức phí và lãi thấp hơn nhiều lần.

Dịch vụ này có thể hiểu là một giao dịch khống được cửa hàng/ cơ sở có máy POS thực hiện, ngụy tạo 1 giao dịch hàng hóa đơn thuần nhưng thực chất chỉ cho ra hóa đơn giả mạo. Sau khi cà thẻ tín dụng của khách hàng với số tiền được yêu cầu, cơ sở "chui" sẽ trả cho khách số tiền mặt tương ứng và thu tiền dịch vụ từ 1,2-2,5%/ giao dịch.

Với cách quẹt thẻ "chui" như này, chủ thẻ có thể rút được đến 100% hạn mức thẻ tín dụng thay vì 70% như quy định, ngoài ra còn không bị tính lãi suất cao trong suốt 45 ngày.

Quẹt thẻ tín dụng "chui" và những hiểm họa khôn lường chị em cần hiểu rõ - Ảnh 3.

Hiện nay các dịch vụ quẹt thẻ tín dụng "chui" mọc lên nhan nhản khắp các thành phố lớn, tuy nhiên do là hoạt động phạm pháp, họ chỉ chủ yếu quảng cáo trên mạng và không hề để lộ địa chỉ.

Về thủ tục quẹt thẻ tín dụng "chui", khách hàng sẽ phải đưa cho cơ sở này thẻ tín dụng và chứng minh thư của mình. Sau khi quẹt số tiền yêu cầu, phía cơ sở quẹt thẻ sẽ đưa cho khách tờ hóa đơn khống để ký tên.

Một số cơ sở còn chụp ảnh hóa đơn này kèm chứng minh thư của khách và tin nhắn báo biến động số dư thẻ tín dụng. Tất cả thao tác kể trên diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút.

Các cơ sở quẹt thẻ "chui" này còn bao gồm luôn dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng. Theo đó đến thời hạn thanh toán dư nợ, phía cơ sở "chui" sẽ chuyển vào tài khoản thẻ tín dụng của khách số tiền còn thiếu và sau đó thực hiện ngay thao tác quẹt thẻ để rút tiền ra.

Với dịch vụ này, khách hàng phải trả phí 1,2-2,5%/ giao dịch, thậm chí còn có thể phải để thẻ tín dụng và chứng minh thư của mình trong vài ngày. Việc để lại thẻ và chứng minh thư tại các cơ sở hoạt động "tín dụng đen" như vậy quả thật rất nguy hiểm, chẳng khác nào giao trứng cho ác.

Những hiểm họa gặp phải khi quẹt thẻ tín dụng "chui"

Việc quẹt thẻ tín dụng tại các cơ sở "chui" có thể mang lại cho khách hàng mức phí và lãi suất thấp, tuy nhiên có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều khách hàng bị lừa đảo, mất tiền khi thực hiện giao dịch tín dụng tại các cơ sở bất hợp pháp.

- Bị đánh cắp thông tin: Việc cung cấp, để lại thẻ tín dụng và chứng minh thư tại các cơ sở quẹt thẻ "chui" là hết sức nguy hiểm bởi không ai có thể đảm bảo thông tin cá nhân/ tài khoản của bạn không bị đánh cắp hoặc sao chép. Những thông tin này có thể sẽ được lưu lại để sử dụng vào mục đích xấu sau này như chiếm đoạt tiền, lừa đảo...

- Bị chiếm đoạt tiền: Nhiều cơ sở hoạt động tín dụng "chui" khi giữ thẻ tín dụng của khách đã có hành vi chiếm đoạt tiền. Theo đó, cơ sở này sẽ dùng thẻ tín dụng của khách để thực hiện giao dịch, thường thì số tiền sẽ không nhiều. Nhiều khách hàng do không cài đặt tin nhắn/ mail báo biến động số dư hoặc bất cẩn không để ý, sẽ bị mất tiền trong thẻ mà không hề hay biết.

Quẹt thẻ tín dụng "chui" và những hiểm họa khôn lường chị em cần hiểu rõ - Ảnh 4.

- Có thể bị ngân hàng phong tỏa tài khoản tín dụng: Ngân hàng theo dõi mọi hoạt động tín dụng của khách hàng, không cho phép rút tiền mặt tại các cơ sở bất hợp pháp. Khi phát hiện khách hàng phát sinh giao dịch bất thường (dấu hiệu thường số tiền giao dịch lớn và chẵn), ngân hàng sẽ có "lưu ý" với tài khoản tín dụng của bạn và về sau bạn sẽ gặp khó khăn trong những hoạt động ngân hàng khác như vay vốn, tăng hạn mức tín dụng. Thậm chí, nhiều trường hợp đã bị ngân hàng phong tỏa tài khoản thẻ tín dụng do phát hiện nhiều giao dịch khả nghi.

- Nếu bị phát hiện, sẽ bị xử lý pháp luật: Tổ chức rút tiền/ đáo hạn thẻ tín dụng qua máy POS tại các cơ sở "chui" là bất hợp pháp. Khi bị phát hiện, không chỉ cơ sở "chui" mà chính khách hàng cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Không những thế, khi khách hàng bị lừa đảo, gặp sự cố với cơ sở quẹt thẻ tín dụng "chui", do đây là hoạt động bất hợp pháp, khách hàng cũng sẽ không thể được ngân hàng và pháp luật bảo vệ.

Bạn nên và chỉ nên rút tiền mặt từ thẻ tín dụng khi thực sự cần thiết:

- Tại Văn bản hợp nhất 06/VBHN-NHNN 2018 (hợp nhất Thông tư 19/2016/TT-NHNN ngày 30/06/2016 và Thông tư 30/2016/TT-NHNN) của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng quy định một trong số nhưng hành vi bị cấm là: Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ).

Trong khi đó, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng quy định phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi thu phụ phí từ chủ thẻ đối với các giao dịch thanh toán không đúng quy định của pháp luật hoặc vi phạm các quy định khác về thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng thẻ phải có quy định rõ không được sử dụng để chuyển khoản, không cho phép khách hàng sử dụng hạn mức thẻ tín dụng để nạp tiền, ghi có vào tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ hoặc thẻ trả trước. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các hình thức lợi dụng thẻ tín dụng để sử dụng không đúng quy định pháp luật (như sử dụng thẻ tín dụng để nạp tiền vào ví điện tử, thanh toán hàng hóa, dịch vụ không đúng quy định pháp luật).