Là con lớn trong gia đình, từ nhỏ T.L.L đã có tính cách bướng bỉnh và được bố mẹ rất chiều chuộng. Khoảng 3 năm nay, do áp lực trong học tập, bố mẹ thường hay mâu thuẫn về việc học của con khiến L. luôn cảm thấy căng thẳng, bức bối, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, cáu gắt với mọi người.
Ngược đãi bản thân để được chú ý
Lên lớp 9, L. thiếu tập trung, sao nhãng trong học tập nên học lực dần sa sút. L. thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, cáu gắt, mắng chửi em gái. Người mẹ cho biết gần đây thấy con ăn ngủ thất thường, lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay tự làm tổn thương bản thân. Các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn. Bất lực khi con quá bướng bỉnh, lì lợm, thậm chí người mẹ đã dùng đủ các biện pháp từ nhẹ nhàng đến "thiết quân luật" nhưng vẫn không có tác dụng. Gần đây, thấy con có nhiều biểu hiện bất thương nên đã đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết luôn có cảm giác lo sợ bản thân mình sẽ bị bỏ rơi, sợ bố mẹ không yêu thương mình như trước, nhiều lúc có cảm giác trống rỗng, bị bỏ rơi nên sống thu mình, ít giao tiếp với người thân, bạn bè. Bệnh nhân cũng cho biết trước đó đã lên mạng lập nhiều nhóm nhằm chia sẻ những tiêu cực và hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc bằng việc tự gây thương tích.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi - vị thành niên - Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ranh giới có hành vi tự sát, tự hủy hoại bản thân. Sau 2 tuần điều trị nội trú, cảm xúc ổn định hơn, hợp tác hơn, không có hành vi bất thường. Bác sĩ đã nhận thấy sự lúng túng của bố mẹ trong việc phân biệt bướng bỉnh do sinh lý tuổi vị thành niên với sự bướng bỉnh do bệnh lý.
Đáng chú ý, những trường hợp trẻ ở tuổi "ẩm ương" có những tính cách nổi loạn, tự hủy hoại bản thân như trường hợp bệnh nhân L. đang xảy ra khá nhiều. Đôi khi cha mẹ thiếu để ý đến tâm sinh lý của con mình dẫn đến việc điều trị muộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của con, thậm chí trẻ tự hủy hoại bản thân mất kiểm soát gây thương tích nặng hay có những hành vi tự tử.
Theo bác sĩ Yến, nếu trẻ bướng bỉnh do sinh lý thì khi qua tuổi nổi loạn trẻ sẽ hết bướng. Tuy nhiên, nếu là vấn đề bệnh lý, tâm lý bướng bỉnh sẽ xuất hiện trong thời gian dài và trẻ sẽ có những hành vi bất thường như tự làm tổn thương chính mình. Mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí bế tắc vì sự lì lợm, ương bướng của con nhưng nhiều cha mẹ chỉ cho rằng đó chỉ là sự "nổi loạn" tuổi dậy thì, không nghĩ đó là tình trạng rối loạn tâm thần.
Bệnh phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn
Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết rối loạn nhân cách ranh giới thường gặp ở trẻ vị thành niên nhiều hơn người trưởng thành và dễ nhầm lẫn với trầm cảm bởi người bệnh cũng có những triệu chứng liên quan đến trầm cảm.
Khi bị tình trạng này, người bệnh thường thay đổi hành vi, cảm xúc rất nhanh, có thể đang vui nhưng buồn ngay và ngược lại. Ngoài ra, người bệnh có tính cách bốc đồng, hành vi tự hủy hoại xuất hiện bộc phát, nghĩ đến làm ngay. Trong khi đó, người trầm cảm dù cũng có hành vi tự sát nhưng trước đó họ luôn tìm cách để lý giải sau đó mới xuất hiện hành vi.
Ngoài các yếu tố di truyền, sử dụng thuốc thì môi trường cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị rối loạn nhân cách ranh giới. Điển hình như việc bị ngược đãi trong gia đình, cha mẹ thường xuyên xung đột với nhau hoặc xung đột với con cái. Tất cả những điều này đều âm thầm tác động đến tâm lý trẻ, nhất là trong lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý.
Theo bác sĩ Thiện, rối loạn nhân cách ranh giới thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện vì những lý do, triệu chứng khác nhau nhưng khi khai thác sâu mới hướng đến chẩn đoán bị rối loạn nhân cách ranh giới. Do không nhận biết được sớm nên triệu chứng tồn tại âm ỉ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập cũng như sự hình thành nhân cách, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh khi họ có hành vi tự hủy hoại bản thân.
Các bác sĩ cũng cho biết người bệnh rối loạn nhân cách ranh giới nếu đáp ứng tốt điều trị có thể khỏi bệnh. Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho người mắc chứng rối loạn này là liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần, trầm cảm, chống lo âu cũng được dùng để giảm một số triệu chứng của bệnh. Ở một số trường hợp, người mắc rối loạn nhân cách ranh giới có thể phải nhập viện để điều trị chuyên sâu, nhằm ngăn họ tự gây thương tích hoặc thực hiện hành vi tự tử. Trong trường hợp này, cha mẹ nên theo dõi con thật sát, chú ý xem trẻ có đang gặp vấn đề gì không, trải qua biến cố như chuyển cấp, chuyển trường, gia đình có biến cố... Sau đó, cha mẹ nên chia sẻ với trẻ, nhận biết mức độ mà con đang gặp phải, nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.
"Chúng tôi khuyến cáo cha mẹ phải là người được tư vấn trước, bởi nhiều cha mẹ sẽ không nhận biết được rõ hoặc làm trầm trọng vấn đề hơn thực tế. Không ít trường hợp chúng tôi phải tư vấn, giải quyết vấn đề tâm lý của cha mẹ trước khi tư vấn cho trẻ" - bác sĩ Thiện lưu ý.
Phổ biến ở thanh thiếu niên
Theo Viện Sức khỏe tâm thần, rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn tâm thần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng điều chỉnh cảm xúc. Bệnh này phổ biến ở thanh thiếu niên, chiếm 11% ở bệnh nhân tâm thần ngoại trú và lên đến 50% ở bệnh nhân nội trú. Nguyên nhân mắc chứng bệnh này là do di truyền; thay đổi dẫn truyền thần kinh; rối loạn phát triển não bộ hoặc do môi trường sống.