Cha mẹ chưa tiêm phòng sởi cho con, nhiều trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện có tình trạng nặng
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, hơn 200 trường hợp mắc sởi đã được ghi nhận rải rác trên địa bàn, trong đó Bệnh viện Nhi Hà Nội tiếp nhận hơn 40 ca, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động vào đầu tháng 10.
Theo chia sẻ của TS.BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở oxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca ở trẻ lớn trên 5 tuổi, tuy nhiên số lượng này không đáng kể.
Còn tại TP.HCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 50 (từ ngày 9-12 đến 15-12), TP tiếp tục ghi nhận 373 ca bệnh sởi, tăng 29% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 50 là 3.189 ca. Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm huyện Bình Chánh, quận Bình Tân và TP Thủ Đức.
Theo các chuyên gia, dịch sởi năm 2024 là hệ quả của chu kỳ bệnh dịch tự nhiên kết hợp với tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hơn 90% trẻ nhập viện chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Giai đoạn cách ly xã hội trong dịch Covid-19 khiến nhiều trẻ bị bỏ lỡ các mũi tiêm quan trọng, đồng thời phụ huynh thiếu chú ý với lịch tiêm nhắc lại. Điều này dẫn đến sự gia tăng các ca mắc.
Để kiểm soát dịch bệnh, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ lịch tiêm vắc-xin sởi.
Trẻ từ 9 tháng tuổi cần tiêm mũi đầu tiên, nhắc lại mũi hai ở 15-18 tháng và mũi thứ ba khi trẻ 4-6 tuổi. Đối với trẻ có nguy cơ cao hoặc sống trong vùng dịch, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm sớm từ 6 tháng tuổi. Tiêm phòng đầy đủ không chỉ bảo vệ cá nhân trẻ mà còn giúp giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Diễn biến của bệnh sởi và dấu hiệu bệnh nặng ở trẻ em
Bệnh sởi thường trải qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 7-14 ngày, thường không có triệu chứng.
Giai đoạn tiền triệu (viêm long): Kéo dài 2-4 ngày với các biểu hiện:
- Sốt cao (38-39°C, thậm chí 40°C).
- Viêm long đường hô hấp trên: Ho khan, chảy nước mũi, hắt hơi, khàn tiếng.
- Viêm kết mạc mắt: Mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng.
- Có thể xuất hiện hạt Koplik: Những chấm trắng nhỏ như đầu ghim trên niêm mạc má, gần răng hàm. Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi.
Giai đoạn phát ban: Kéo dài 3-7 ngày.
- Ban sởi bắt đầu mọc từ sau tai, lan ra mặt, cổ, ngực, bụng và cuối cùng là chân tay.
- Ban có dạng dát sẩn, màu hồng hoặc đỏ, hơi gồ lên mặt da.
- Khi ban mọc hết, sốt thường giảm dần.
Giai đoạn hồi phục: Ban bay dần theo thứ tự mọc, để lại những vết thâm trên da, sau đó bong vảy mịn.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi nặng ở trẻ em:
Bên cạnh các triệu chứng thông thường, phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo bệnh sởi diễn biến nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời:
Sốt cao liên tục: Sốt trên 39°C kéo dài, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Khó thở, thở nhanh, thở co kéo: Đây là dấu hiệu của biến chứng viêm phổi, một biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh sởi.
Mệt mỏi, li bì, lơ mơ: Trẻ trở nên mệt mỏi hơn bình thường, không chơi, bỏ ăn, thậm chí li bì, lơ mơ, khó đánh thức.
Co giật: Đây là dấu hiệu của biến chứng viêm não do sởi.
Tiêu chảy nặng: Tiêu chảy nhiều lần, mất nước, có thể dẫn đến rối loạn điện giải.
Ban xuất huyết: Xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, không mất khi căng da.
Các biến chứng khác: Viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm loét miệng, suy dinh dưỡng.
Các đối tượng có nguy cơ biến chứng sởi cao
Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.
Trẻ suy dinh dưỡng, còi xương.
Trẻ có hệ miễn dịch suy yếu (ví dụ: Trẻ mắc HIV/AIDS, trẻ đang điều trị ung thư).
Trẻ mắc các bệnh mãn tính (ví dụ: Bệnh tim, bệnh phổi).