Những ngày gần đây, phòng khám A103 và Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng của bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến viện viện trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, béo trung tâm, tay chân teo, giữ nước, rối loạn điện giải, loãng xương, loét dạ dày tá tràng… Các bệnh nhân này đều dùng thuốc chữa các bệnh "đau nhức xương khớp" không rõ nguồn gốc; các "thần dược chữa bách bệnh".
Theo ThS. bác sĩ nội trú Phùng Đức Đạt, Phó Khoa Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, do tâm lý có bệnh vái tứ phương, nhiều người dân bị bệnh lý cơ xương khớp như đau lưng, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, thoái hóa khớp… tìm đến điều trị tại các thầy lang; cơ sở ý tế không chính thống. Tại đây, bệnh nhân được dùng "thần dược mang tên corticoid" dưới nhiều hình thức: thuốc nam dạng hoàn tán, thuốc tiêm bắp…
Cũng theo bác sĩ Đạt, khi bệnh nhân được dùng "thần dược trộn lẫn corticoid" là chất có tác dụng chống viêm mạnh, bệnh nhân sẽ đỡ ngay cảm giác đau, sưng nề các khớp. Tuy nhiên, bản chất bệnh còn nguyên và "thần dược" này có hàng trăm tác dụng phụ trên người bệnh.
Các tác dụng phụ điển hình người bệnh có thể gặp khi dùng thuốc chứa corticoid không đúng cách gồm:
Hội chứng Cushing: Mặt tròn như mặt trăng, rối loạn phân bố mỡ (bụng béo, tay chân teo...).
Tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng đặc biệt khi kết hợp cùng với thuốc chống viêm giảm đau không steroid.
Tăng nguy cơ gãy xương, loãng xương.
Da teo mỏng, dễ bầm tím, chậm lành vết thương.
Đuc thủy tinh thể, tăng nhãn áp, glôcôm.
Tăng đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Tăng huyết áp.
Tăng nguy cơ nhiễm trùng…
Đặc biệt, nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngừng hoạt động, không còn duy trì bài tiết hormone bình thường…
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Khi người bệnh có vấn đề về sức khỏe, nên đến bệnh viện thăm khám đầy đủ để tránh những tác dụng phụ do thuốc không rõ nguồn gốc gây ra.