Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo của bệnh viện là khoa tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nặng từ các tuyến chuyển về (Trung tâm Y tế, bệnh viện Trung ương), vì vậy khoa có nhiều trường hợp bệnh nhân bị kháng kháng sinh, gây khó khăn cho điều trị.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân (75 tuổi) trú tại phường Cao Thắng, TP. Hạ Long. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng khó thở, tím môi, đầu chi, khạc nhiều đờm đục, kết quả chụp cắt lớp vi tính có hình ảnh viêm phổi phải lan tỏa. Bệnh nhân được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi cộng đồng trên nền tăng huyết áp.

Bệnh nhân đã khai báo y tế không có yếu tố dịch tễ và được thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trước khi vào viện điều trị. Qua khai thác, gia đình cho biết bệnh nhân trước đó có tình trạng ho sốt, khó thở, đã tự mua thuốc uống 2 tuần không khỏi, tình trạng ngày càng xấu đi.

Cảnh báo tình trạng kháng kháng sinh - Ảnh 1.

Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận nhiều bệnh nặng. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được cấy đờm, làm kháng sinh đồ để xác định độ nhạy của các loại kháng sinh đối với vi khuẩn gây bệnh. Kết quả kháng sinh đồ của bệnh nhân này là vi khuẩn cộng đồng đa kháng kháng sinh.

BSCKI Nguyễn Tiến Thắng, Phó Trường Khoa Hồi sức tích cực cho biết: Bệnh nhân này nhiễm loại vi khuẩn kháng kháng sinh là Klebshiealla pneumoniea, là loại kháng hầu hết các loại kháng sinh. Tuy nhiên, rất may bệnh nhân vẫn còn nhạy với vài loại, vì vậy các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa dược, hồi sức, bệnh nhiệt đới để đưa ra phương án điều trị, sử dụng loại kháng sinh điều trị vi khuẩn đa kháng thuốc.

Một trường hợp khác điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực là bệnh nhân 59 tuổi ở phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long. Bệnh nhân vào viện với chẩn đoán viêm màng não, đã điều trị 2 tuần tại bệnh viện tuyến Trung ương. Bệnh nhân vào khoa trong tình trạng hôn mê, thở máy qua canuyn mở khí quản, sốt liên tục, đờm đục.

Bệnh nhân được cấy đờm với kết quả kháng sinh đồ ra vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc (Acinetobacter bauumanii), kháng tất cả các loại kháng sinh. "Với trường hợp này, sẽ không có loại kháng sinh nào có giá trị để sử dụng cho bệnh nhân. Đây thật sự là thách thức điều trị đối với chúng tôi" - bác sĩ Thắng cho hay.

Hiện nay, tình trạng tự ý mua kháng sinh tại quầy thuốc để điều trị của người dân đáng báo động. Khi dùng kháng sinh không đúng, không phù hợp sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc. Đặc biệt với những người mắc bệnh lý mãn tính, già yếu thì việc tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều lần sẽ càng dễ gây tình trạng kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, tình trạng kháng kháng sinh còn do sự lây chéo vi khuẩn kháng kháng sinh trong bệnh viện, thường gặp nhất là ở những bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại nhiều tuyến y tế khác nhau.

Theo bác sĩ Thắng, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc sẽ rất khó khăn cho bác sĩ khi phải lựa chọn loại kháng sinh điều trị phù hợp. Các bác sĩ phải sử dụng các loại thuốc thế hệ mới, tốn kém hơn, hoặc phải phối hợp nhiều loại thuốc trong quá trình điều trị. Lúc đó cơ hội điều trị cho người bệnh khó hơn, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.

Kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng. Điều này làm bệnh có nguy cơ tiến triển nặng lên, thời gian điều trị kéo dài, chi phí chữa trị tốn kém, thậm chí có thể tử vong.

Việc lạm dụng kháng sinh còn có thể gây tổn thương gan, thận; làm gia tăng bệnh hen suyễn, dị ứng; tăng nguy cơ gây rối loạn vi khuẩn đường ruột do việc sử dụng kháng sinh dài làm suy giảm chức năng hệ miễn dịch. Lạm dụng kháng sinh còn tạo các vi khuẩn kháng thuốc.