Cảnh báo tình trạng viêm ruột thừa đến muộn ở trẻ em - Ảnh 1.

Hai bệnh nhi V.T.K.N. (11 tuổi, trú tại huyện An Lão, Hải Phòng) và Đ.C.A. (11 tuổi, trú tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng) đều vào viện trong tình trạng đau bụng liên tục, sốt, nôn từ 2 đến 3 ngày.

Các bệnh nhi đã được đưa đi khám tại cơ sở y tế khác nhưng chưa phát hiện ra bệnh kịp thời nên gia đình có nguyện vọng chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng.

Sau khi được thăm khám và làm xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm phúc mạc do viêm ruột thừa vỡ. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu nội soi cắt ruột thừa viêm, rửa sạch ổ bụng, đặt dẫn lưu ổ bụng. Do đến muộn nên tình trạng ổ bụng bẩn, các quai ruột dính nhiều khiến quá trình phẫu thuật rất khó khăn, mất nhiều thời gian.

Đồng thời sau phẫu thuật, tình trạng bệnh cũng diễn biến phức tạp, bệnh nhi nôn nhiều, chướng bụng, thời gian ăn uống trở lại và có lưu thông tiêu hóa lâu. Hiện tại, các bệnh nhi đã tạm ổn định, tuy nhiên do nhập viện muộn nên việc điều trị tiên lượng sẽ kéo dài, tốn kém trong chi phí điều trị, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của bệnh nhi và công việc của gia đình.

Theo các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất ở trẻ em. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đau bụng quanh rốn hoặc hố chậu phải, sốt, nôn, đại tiện lỏng… nhưng dễ nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa khác.

Viêm ruột thừa ở trẻ em thường không có các biểu hiện điển hình và khó phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Bệnh lại tiến triển rất nhanh, dễ vỡ mủ thành viêm phúc mạc toàn bộ. Đây là căn bệnh không thể xem nhẹ, bởi phát hiện muộn có thể gây nguy hiểm tới tính mạng. Đặc biệt, trẻ chưa biết diễn đạt rõ ràng nên gây khó khăn cho quá trình thăm khám, chẩn đoán.

Nhiều trẻ có tâm lý sợ đi bệnh viện hoặc quá lo lắng trong thi cử nên cố chịu đau dẫn tới đến khám muộn. Nhiều bậc phụ huynh chủ quan thấy con mình đau bụng nhưng nghĩ là rối loạn tiêu hóa nên tự theo dõi hoặc mua thuốc uống ở nhà. Một số trường hợp cho con đến khám ở những cơ sở y tế không chuyên khoa nên không phát hiện ra bệnh.