Sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử trong những năm gần đây là điều kiện cho những đối tượng làm hàng giả mạo có thể tiếp cận dễ dàng với người tiêu dùng.
Không những thế, chính sách mở với bên thứ ba khi tham gia vào sàn thương mại điện tử cũng giúp các đối tượng này thu hút được lượng khách hàng đông đảo.
Những mặt hàng bán trên các trang thương mại điện tử có nguy cơ là hàng giả cao thường là các hàng mỹ phẩm, thời trang, công nghệ hoặc đồng hồ. Trong mặt hàng thời trang, sản phẩm giày được đánh giá là ngành hàng được làm giả nhiều nhất.
Nhan nhản giày thể thao hàng hiệu nhưng giá rẻ bèo
Chỉ cần một cú click chuột, bạn có thể tìm được hàng nghìn cho tới hàng trăm nghìn đôi giày mang mác giày hiệu tại các địa chỉ trên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, giá thành các sản phẩm tại đây đều rất rẻ, thậm chí là bèo đến mức khó tin khiến nhiều người tiêu dùng lần đầu mua sắm cảm thấy hoang mang và khó hiểu.
Chị em có lẽ đã không còn xa lạ gì với thương hiệu giày Nike. Đặc biệt, với những ai yêu thích dòng giày thể thao, năng động thì việc sở hữu một đôi giày Nike chính hiệu luôn là ước mơ. Các đôi giày của Nike thường dao động từ 1,5 tới 4 triệu đồng.
Tuy nhiên, tại các sàn thương mại điện tử, những đôi giày Nike lại chỉ được bán với mức giá dao động từ 60 - 200.000 đồng. Ghi nhận mức giá cao nhất cũng chỉ chạm ngưỡng 400.000 đồng/sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm giày Nike Air Force chính hãng đang có giá bán là 3,2 triệu đồng. Nhưng tại các chợ mạng, giá đôi giày này chỉ dao động từ 90 - 195.000 đồng/đôi. Rẻ bằng 1/16 lần hàng chính hãng.
Không chỉ có thương hiệu Nike, nhan nhản các sản phẩm giày hiệu nhưng giá rẻ bèo của các thương hiệu nổi tiếng khác như Adidas, Converse, Balenciaga, New Balance, Puma, Vans, Gucci, Alexander McQueen được bán ngang nhiên và tấp nập.
Người tiêu dùng chỉ cần bỏ ra chưa tới 500 nghìn, thậm chí chỉ cần 1-2 trăm nghìn là đã sở hữu một đôi giày có hình dáng và thiết kế y sì đúc giày hiệu.
Chỉ là hàng nhái được nhập từ Trung Quốc
Theo anh Phi Hùng (chủ shop giày thể thao tại Chùa Bộc) tiết lộ, các sản phẩm giày thể thao giá rẻ đang được bày bán nhan nhản trên chợ mạng đa phần đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Vì nguồn nguyên liệu ở đây khá dồi dào, trình độ làm nhái cũng thuộc hàng bậc thầy hơn các nước khác. Từ lâu, các doanh nghiệp cũng như cơ sở kinh doanh Trung Quốc đã nổi tiếng trong giới bán giày về khả năng cung cấp các sản phẩm fake của tất cả thương hiệu nổi tiếng ngay cả khi chúng mới được ra mắt.
Họ có thể sản xuất y chang sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng nhưng với giá thành rẻ hơn gấp vài chục lần. Điều này đánh trúng tâm lý yêu thích hàng hiệu mà giá phải rẻ của người tiêu dùng, khiến những sản phẩm fake, kém chất lượng vẫn vẫn xuất hiện nhan nhản trên thị trường.
Cũng theo anh Hùng, các sản phẩm giày hiệu fake rất dễ phân biệt. Người tiêu dùng chỉ cần nhìn theo đường keo dán của chiếc giày sẽ phát hiện ra ngay.
Những đôi giày này thường có phần keo lem, dư thừa. Các đường chỉ may thì lỗi, xộc xệch, không tinh tế như hàng thật. Chất liệu giày bị cứng, đi rất đau chân, thậm chí gây mùi hôi khó chịu. Những loại hàng giả này sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ sức khỏe hay hỗ trợ trong quá trình tập luyện, tạo sự thoải mái như trên các sản phẩm giày thể thao chính hãng.
Lưu ý người tiêu dùng:
Những đôi giày thể thao fake, giá rẻ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe. Nó có thể gây đau nhức, phồng rộp, chai sần chân khi sử dụng, thậm chí còn làm tổn thương, gây xước, rách da chân và dẫn đến chảy máu.
Sự bí bách của những đôi giày này cũng là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh viêm nhiễm như nấm móng, viêm kẽ móng chân, mụn nhọt…
Không chỉ thế, chất liệu làm giày không được kiểm định rất có thể còn chứa những chất độc hại, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe đôi chân.