"Nếu đậu mùa khỉ trở thành dịch bệnh lưu hành, chúng ta sẽ phải đối phó với một căn bệnh khó chịu khác và nhiều quyết định khó thực hiện" - hãng tin Reuters dẫn lời giáo sư Isabelle Eckerle từ Trung tâm Geneva về các bệnh virus mới nổi ở Thụy Sĩ.
Ngay từ đầu, đậu mùa khỉ đã được nhận định là không có khả năng bùng phát thành đại dịch như Covid-19 bởi nó khó lây hơn nhiều, song từ một bệnh hiếm gặp trở thành bệnh lưu hành - tức thường xuyên xảy ra, dù trong phạm vi dự báo - vẫn là rắc rối lớn. Các chuyên gia cho rằng cần tránh "lặp lại những sai lầm" đầu dịch Covid-19 - tức sự phản ứng chậm trễ.
Giám đốc chương trình khẩn cấp về y tế của WHO Mike Ryan nói với Reuters bên lề một cuộc họp ở Geneva - Thụy Sĩ: "Nó (đậu mùa khỉ) luôn được xem xét nhưng hiện chưa có ủy ban khẩn cấp nào".
Phát ngôn này liên quan đến việc WHO xem xét có nên đánh giá đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở hơn 20 quốc gia ngoài châu Phi vừa qua là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tiềm năng được quốc tế quan tâm (PHEIC) hay không. Các nghiên cứu và tài trợ sẽ được đẩy mạnh nếu một bệnh được coi là PHEIC.
Một nhân viên Công ty Vắc-xin Bavarian Nordic trong phòng thí nghiệm ở Martinsried gần Munich - Đức, ngày 24-5. Đây là công ty duy nhất trên thế giới có vắc-xin đậu mùa - ngừa cả đậu mùa khỉ - được phê duyệt tại Mỹ và châu Âu Ảnh: REUTERS
Giáo sư Eckerle kêu gọi WHO khuyến khích các quốc gia tăng cường cách ly kiểm dịch ngay cả khi đậu mùa khỉ không được coi là PHEIC. Bà lo ngại sự chủ quan rằng bệnh nhẹ, vắc-xin và phương pháp điều trị sẵn có… "có khả năng dẫn đến hành vi lười biếng của các cơ quan y tế công cộng".
WHO khuyến cáo người tiếp xúc gần bệnh nhân đậu mùa khỉ cách ly trong 21 ngày nhưng không hướng dẫn chi tiết mức độ hạn chế, chưa kể mối lo về năng lực xét nghiệm ở nhiều nước.
Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm liên quan đến nghèo đói tại Đại học Oxford (Anh) Peiro Olliaro ám chỉ nhiều hành động đang sai hướng: "Thật thất vọng khi thế giới chỉ dậy sóng vì một căn bệnh khi nó tấn công các nước thu nhập cao. Để chuẩn bị cho đại dịch, bạn phải làm điều đó ở nơi có dịch bệnh".
Đến nay, hơn 300 ca nhiễm và nghi nhiễm đậu mùa khỉ ngoài vùng lưu hành đã được báo cáo, rải rác ở các châu lục. Mexico, Ireland là các nước mới nhất báo cáo ca bệnh.
Đài RT trích dẫn cảnh báo của Giám đốc về chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh - đại dịch của WHO Sylvie Briand rằng các ca đậu mùa khỉ hiện chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", "có thể có nhiều trường hợp khác không được phát hiện trong cộng đồng".
Theo Live Science, nhà dịch tễ học David Heymann, cố vấn của WHO, cho rằng làn sóng hiện tại ở Anh - quốc gia phát hiện đầu tiên và có nhiều ca nhất - chỉ là sự khuếch đại từ một mức độ lây truyền thấp đã âm ỉ trong cộng đồng vài năm nay.
Trong khi đó, ngành y tế Iraq đang đối mặt đợt gia tăng bất thường của sốt xuất huyết Crimean-Congo (CCHF), vốn hiếm gặp trước đây nhưng năm nay đã có 111 ca, trong đó 19 ca tử vong, sau một đợt bùng phát bất thường khác vào năm 2021 khiến 18 người tử vong. Một đội phản ứng nhanh đã được WHO phối hợp với Bộ Y tế Iraq thành lập từ ngày 22-3.
Theo WHO, CCHF lây truyền qua vết cắn của ve hoặc tiếp xúc với mô/máu động vật nhiễm bệnh trong và sau khi giết mổ, thường gặp nhất ở người làm việc trong ngành chăn nuôi, giết mổ. Bệnh này gây sốt và xuất huyết nghiêm trọng, đặc biệt là ở mũi, tỉ lệ tử vong từ 10%-40%.
Covid-19 hạ nhiệt ở Trung Quốc, Triều Tiên
Hãng tin Reuters dẫn lời chính quyền Thượng Hải - Trung Quốc ngày 29-5 rằng các lệnh cấm không cần thiết đối với các doanh nghiệp sẽ được dỡ bỏ từ ngày 1-6. Thành phố này cũng đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế như: giảm thuế mua ôtô, đẩy mạnh phát hành trái phiếu và phê duyệt các dự án bất động sản, yêu cầu ngân hàng gia hạn các khoản vay cho công ty vừa và nhỏ với tổng trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (15 tỉ USD). Bắc Kinh cũng mở lại một số hoạt động giao thông công cộng và trung tâm thương mại.
Tại Triều Tiên, hãng thông tấn KCNA cho biết một cuộc họp mới của Bộ Chính trị do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì đã "đánh giá tích cực về tình hình đại dịch đang được kiểm soát và cải thiện trên toàn quốc", đồng thời điều chỉnh các biện pháp chống dịch phù hợp hơn với tình hình. Trong 24 giờ qua Triều Tiên ghi nhận 89.500 ca "sốt", giảm gần 400.000 ca so với 11 ngày trước.