Nếu bạn có tiếp xúc với mèo hoặc nhà bạn nuôi mèo mà bỗng dưng trên da xuất hiện các đốm hình tròn màu đỏ hồng, ngứa ngáy thì có thể đó chính là nguyên nhân bạn đã bị nhiễm nấm mèo. Dưới đây là một số lưu ý của ThS.BSCKII Nguyễn Xuân Hương, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp Hải Phòng về bệnh nấm mèo lây sang người.

Cảnh giác bệnh nấm mèo ở người - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Những dấu hiệu của bệnh nấm mèo

Trên da xuất hiện các mảng hồng ban hình tròn, bầu dục hoặc đa cung, bề mặt tróc vảy nhẹ hoặc có viền vảy, giới hạn rõ, đường kính khoảng 4 – 5mm có khi đến hơn 10mm, nằm rải rác ở hai cánh tay, cẳng chân và đùi, có khi ở ngực hoặc rải rác nhiều nơi trên cơ thể, ngứa nhiều.

Bệnh do nấm sợi tơ (Dermatophytosis) gây nên. Đây là bệnh lý thường gặp, đặc biệt ở môi trường khí hậu nhiệt đới nóng ẩm rất thuận lợi cho vi nấm phát triển.

Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường gây ngứa ngáy, khó chịu. Nếu không được điều trị hay điều trị không đúng thì thương tổn nấm có thể lan tỏa, gây chàm hóa hoặc bội nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Điều trị nấm mèo ở người như thế nào?

Con đường chính của bệnh nấm mèo lây sang người là thông qua quá trình tiếp xúc trực tiếp giữa người và mèo, chẳng hạn như hôn, âu yếm, vuốt ve hoặc nằm ngủ chung với mèo. Bên cạnh đó, việc sử dụng chung hoặc tiếp xúc với các đồ đạc như khăn tắm, ga giường, gối nằm, lược với mèo bị nhiễm nấm cũng là nguyên nhân khiến bệnh lây lan. Chính vì thế, việc chữa nấm mèo ở người là vô cùng quan trọng và cấp thiết.

Để điều trị hay dùng thuốc chữa khỏi hẳn bệnh nấm mèo, người bệnh cần tuân thủ các phương án mà bác sĩ đã đưa ra. Trong đó có sử dụng thuốc, chăm sóc và vệ sinh da, đồng thời đưa mèo đi kiểm tra để ngăn chặn mầm bệnh.

Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh nấm mèo càng sớm thì bệnh càng hết nhanh. Nếu người bị lây nấm mèo để bệnh ủ lâu thì tình trạng này có khả năng khiến bạn bị sốt cao, nổi nhiều mẩn đỏ, cơ thể khó chịu, ngứa ngáy. Đối với những người có hệ miễn dịch kém thì sức khỏe lại càng nguy hiểm hơn.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Nếu người bệnh nhiễm nấm mèo ở thể nhẹ thì bác sĩ sẽ cho dùng thuốc nước bôi ngoài da, thuốc mỡ như Terbinafine, Clotrimazole hoặc Miconazole. Trường hợp bị nhiễm nấm nặng thì bác sĩ sẽ chỉ định cho uống thêm thuốc trị nấm.

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý, nếu nhà có nuôi chó, mèo… nên cố gắng giữ chúng sạch sẽ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và tẩy giun. Nếu thấy vật nuôi có dấu hiệu bệnh trên da (ví dụ như nấm), cần đưa đến các phòng khám thú y để được điều trị kịp thời, tránh lây sang người.

Lưu ý trong cách chăm sóc da bị nấm mèo

Khi bị nấm mèo, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu gãi thì nấm cũng sẽ lây lan thêm khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng. Vậy phải làm thế nào để da bớt ngứa khi bị nấm mèo? Dưới đây là một số lưu ý trong cách chăm sóc da bị nấm mèo:

- Luôn vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị nấm mèo. Không dùng sữa tắm, xà phòng có tính tẩy rửa mạnh thông thường. Thay vào đó, hãy sử dụng sữa tắm lành tính có thành phần chiết xuất từ tự nhiên. Điều này giúp làm sạch da một cách nhẹ nhàng mà không gây khô hay kích ứng da.

- Sau khi tắm xong, hãy thấm khô toàn bộ cơ thể và thoa kem dưỡng ẩm lên tổn thương nấm mèo. Nấm mèo ở người không chỉ gây ngứa mà còn khô ráp. Thoa kem dưỡng ẩm là phương pháp tốt để thúc đẩy da tái tạo, phục hồi khỏi các tổn thương. Đồng thời, kem dưỡng da cũng giúp làm dịu da, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và bớt ngứa hơn.

- Nấm mèo ở người lây lan rất nhanh tuyệt đối không gãi, cào lên vùng da bị nhiễm nấm mèo.

- Cắt gọn gàng móng tay để phòng tránh gây tổn thương thêm lên các vết ngứa do nấm mèo gây ra.

- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Thay toàn bộ chăn ga gối nệm, rèm cửa và các vật dụng đã qua tiếp xúc vì nấm mèo có thể trú ngụ trong đó và tiếp tục lây lan.

Nếu trong gia đình có nuôi mèo, bạn cũng nên đưa mèo đến các bệnh viện thú y để được kiểm tra và loại bỏ mầm bệnh.

Nấm mèo ở người không phải là căn bệnh da liễu nguy hiểm, nhưng lại gây ra rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Đặc biệt là khi nấm mèo xuất hiện ở các vùng da hở như mặt, cổ, bàn tay… sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy vô cùng tự ti.

Bạn cần lập tức tìm gặp bác sĩ da liễu để được chẩn đoán đúng bệnh nấm mèo và nhận phác đồ điều trị phù hợp. Tránh chủ quan không gặp bác sĩ, không điều trị sớm vì nấm mèo ở người lây lan rất nhanh. Các tổn thương do nấm gây ra sẽ lan sang các vùng da khỏe mạnh và lây từ người bệnh sang người lành nếu không có biện pháp chăm sóc an toàn.