Cảnh giác cao độ với cúm A
Tính đến nay, các quan chức y tế của Trung Quốc cho biết đã có thêm 2 trường hợp tử vong vì cúm gia cầm A/H7N9 tại tỉnh Chiết Giang, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh này trên khắp cả nước lên con số 22, tổng số trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 tại Trung Quốc lên con số 108.
Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc (CAAS) cho biết các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng vi-rút cúm H7N9 ở người có một chuỗi gen tương tự như của vi-rút H7N9 được tìm thấy ở gia cầm sống.
Tại Việt Nam, cuối tháng 3 vừa qua, sau khi đàn chim yến hàng nghìn con chết vì cúm A/H5N1 thì hàng loạt những trường hợp dương tính với cúm A ở người cũng xuất hiện. Nguy hiểm hơn, cúm A/H5N1 từ phân và nước bọt chim yến mang bệnh có khả năng truyền qua gà vịt rồi sang người.
Theo các bác sĩ ở bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương, cúm gia cầm có thể gây bệnh cho người tiếp xúc. Đến nay, cúm A/H5N1 được đánh giá là loại cúm nguy hiểm, theo các thống kê có đến 50% bệnh nhân tử vong.
Ngày 4/4 vừa qua, bé trai tên Huy, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã tử vong do nhiễm virus cúm A/H5N1.
Bệnh nhi sống với ông bà ngoại làm nghề buôn bán cá. Trước khi bị bệnh bé có ngồi xem ông ngoại làm thịt gà. Ngày 26/3, bé bỗng nhiên nóng sốt, gia đình đưa vào trạm y tế xã khám với chẩn đoán bé bị suy hô hấp. Dù được các bác sĩ cấp cứu tích cực song bệnh nhi tử vong ngay sau vài ngày.
Cúm gà hay cúm gia cầm là một loại bệnh cúm do virus gây ra
cho các loài gia cầm, và có thể gây hại cho con người (Ảnh minh họa)
Ngày 14/4 vừa qua, nữ bệnh nhân N.T.N.D. (20 tuổi, ngụ tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) lên cơn ho, sốt cao, đau đầu, đau mỏi người. Bệnh diễn tiến nặng, cô được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur ghi nhận bệnh nhân dương tính với cúm A/H5N1. Theo bệnh sử ghi nhận, trước đó bệnh nhân đã trực tiếp làm thịt và cùng gia đình ăn hai con vịt bị ốm.
Sau khi được điều trị tích cực tại bệnh viện Chợ Rẫy, sức khỏe của bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tốt.
Không may mắn như N.D, bệnh nhân nam 23 tuổi ở Yên Bái, tử vong ngày 18/4, sau hơn một tuần được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm H1N1 với biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, suy đa tạng nặng.
Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người nên đã tự mua thuốc hạ sốt, cảm cúm uống. Nhưng càng uống, bệnh càng tiến triển nặng. Ngày 5/4, anh đến một bệnh viện ở tỉnh khám vì thấy mệt nhiều và được chẩn đoán viêm phổi. Ngày 8/4 vì có biểu hiện khó thở nặng hơn nên anh được chuyển đến Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai điều trị, sau đó được chuyển tiếp đến khoa Điều trị tích cực do suy hô hấp nặng.
Dù đã được thở máy, điều trị tích cực nhưng do tình trạng quá nặng, bệnh nhân không qua khỏi.
Ngày 16/4, một cháu bé 12 tuổi ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa có biểu hiện sốt, ho, khó thở nhẹ nên đã vào bệnh viện huyện khám. Sau một ngày điều trị, tình trạng khó thở của cháu tăng lên và được chuyển lên bệnh viện tỉnh, sau đó tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Trung ương (Hà Nội), sau đó là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu nhiễm cúm H1N1.
Dù được hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), song cháu bé đã không qua khỏi và tử vong sáng nay (23/4/2013).
Các triệu chứng cúm A rất giống với các triệu chứng của bệnh cúm thông thường, do đó, người dân không nên chủ quan khi thấy có các dấu hiệu cúm xuất hiện cho dù là những dấu hiệu phổ biến nhất.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Câu nói này rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng thực hiện theo. Để phòng bệnh cúm gia cầm, người có biểu hiện cúm như: ho, hắt hơi, sổ mũi nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị nhanh dứt bệnh.
Nếu có các dấu hiệu như sốt cao đột ngột, sốt liên tục trên 38 độ C, đôi khi rét run, mặt đỏ, đau đầu, đau mỏi cơ, đau tăng lên khi ho, đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch, ho hoặc ho khan, khó thở nhiều... thì cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được khám, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh chính xác. Diễn biến của bệnh nhanh, nó có thể dẫn tới suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng, tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Để phòng bệnh cúm gia cầm hiệu quả, người dân không được bỏ qua các lưu ý sau đây:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm virus cúm. Ví dụ: Rau củ có màu xanh đậm, hoa quả, trứng, đậu, hải sản, sữa chua...
- Sử dụng thức ăn hợp vệ sinh, bảo đảm, thức ăn cần được đun sôi, kỹ. Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm khi rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch cẩn thận. Nói không với tiết canh.
- Tránh tiếp xúc với gia cầm chết, nấu thật kỹ thịt gia cầm khi chế biến thức ăn là những nguyên tắc hàng đầu giúp mọi người phòng ngừa cúm A nói chung.
- Rèn luyện thân thể bằng cách tập thể dục đều đặn, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh.
- Không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với gia cầm hoặc chơi cạnh chuồng gia cầm.
Theo khẳng định mới nhất của Liên Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT thì Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H7N9. Tuy nhiên, dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập, lan truyền và gây dịch cao ở nước ta.
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu - Phó Cục trưởng cục Dự phòng Y tế, Bộ Y tế thì hiện nay chúng ta đang quan tâm đến cúm A/H5N1, H1N1 và H7N9. Chủng cúm nào cũng có diễn biến nặng và tử vong. Năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cúm H1N1 là 1 đại dịch nhưng đến nay đã trở thành cúm mùa, tỉ lệ lây nhiễm giảm, tử vong thấp hơn. Cúm H5N1 và H7N9 đáng lo ngại hơn.
Căn cứ vào nguồn lây và đường lây sẽ có những cách phòng bệnh khác nhau, bao gồm: Không tiếp xúc gia cầm ốm, không ăn thịt gia cầm chết nhất là gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi thấy các ổ dịch, có thấy gia cầm ốm, chết thì phải báo cho các cơ quan thú ý để có biện pháp xử lý. Yếu tố vệ sinh cá nhân rất quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, để phòng kể cả H1N1, H5N1 hay H7N9 thì đều cần giữ vệ sinh cá nhân (rửa tay xà phòng, thực hiện nhà ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc người bệnh, che tay khi hắt hơi để tránh lây bệnh cho người khác). Khi có dấu hiệu cúm thì phải đi khám... (Nguồn VTV)
Mùa thu, thời tiết thường hay thay đổi thất thường, đây cũng là thời điểm dễ nhiễm cúm nhất.
Làm thế nào có thể phòng ngừa cảm cúm mà không cần uống thuốc?