Những cuộc gọi từ số điện thoại giống tổng đài

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Quỳnh Trang, ở Hà Nội, mới đây chị nhận được cuộc điện thoại từ số +88118001091 với lời chào hỏi rồi sau đó thông báo rằng "khách hàng" đã bị tố cáo vi phạm pháp luật.

Những số điện thoại nặc danh

Những số điện thoại nặc danh

"Sau đó nhân viên này nói tiếp 'bây giờ với trường hợp này của chị em sẽ hỗ trợ chị nối máy tới cơ quan công an để khai báo. Đến đoạn này thì tôi biết bọn này lừa đảo rồi nhưng cứ giả ngơ để xem nó làm trò gì.

Tiếp theo cuộc nối máy là giọng của người đàn ông tự nhận là Đại uý Phạm Văn Dũng, số hiệu 144143, đang công tác tại Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ công an, yêu cầu tôi cung cấp số chứng minh thư, địa chỉ.".

Chị Trang cho biết thêm, mặc dù những thông tin về cá nhân chị khai "bừa" nhưng đối tượng vẫn tin và cho biết sẽ ra soát qua Bộ công an. "Sau đó "đại úy" trên tiếp tục chuyển máy cho "một cán bộ" phản hồi lại rằng tôi vi phạm pháp luật. Bọn chúng còn cho biết tôi đang thuộc diện tình nghi đến vụ buôn bán ma tuý và tổ chức rửa tiền qua tài khoản Vietinbank. STk 123xxxxxx với số tiền lên tới 6,5 tỷ đồng.

Chị Trang thuật lại lời đe dọa của đối tượng: "Hiện chúng tôi đang phong toả tài khoản này. Liên quan tới vụ việc có 2 đối tượng là Trần Quốc Bình và Nguyễn Thị Quỳnh Hoa là nhân viên ngân hàng Vietinbank đã bị bắt. Khi bắt và khám xét 2 đối tượng này, chúng tôi tịch thu hơn 200 thẻ tín dụng đứng tên chị Vũ Quỳnh Trang".

Phụ nữ, những người ít dùng mạng xã hội cần cảnh giác chiêu lừa qua điện thoại - Ảnh 2.

Bọn lừa đảo sử dụng cả công văn giả

Theo chị Trang, sau nhiều cáo buộc về việc vi phạm, "đại úy" yêu cầu chị phải nộp một khoản tiền thì mới được thoát tội.

Tương tự, bà Trần Mai Liên ở quận Hoàng Mai nhớ lại từng cung cấp thông tin cá nhân cho một người tự xưng là nhân viên nhà mạng. Bà cho biết: "Đối tượng gọi đến hỏi han, chúng nói ra các thông tin của tôi rất chuẩn xác. Sau đó chúng xưng là cán bộ điều tra thuộc bộ Công an đang điều tra về việc tôi buôn bán ma túy. Sau đó chúng yêu cầu tôi phải nộp tiền vào tài khoản 1 tỷ để làm án, nếu không thì sẽ bị tịch thu nhà".

Dù được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy

Về thông tin trên, Thượng tá Phạm Ngọc Anh – Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai cho rằng chắc chắn đây là thông tin lừa đảo. 

Theo Thượng tá Phạm Ngọc Anh, thủ đoạn này không phải mới, mà chúng từng xuất hiện trong một thời gian, đã có nhiều người từng mắc bẫy kẻ lừa đảo. Người dân cần phải nâng cao cảnh giác, tránh để kẻ gian lợi dụng, nhất là phụ nữ, những người lớn tuổi hoặc những người ít tiếp cận với thông tin báo đài. Cơ quan chức năng cũng nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện đại chúng, tuy nhiên nhiều người chưa tiếp cận thông tin nên bị lừa.

Bọn tội phạm sử dụng zalo mang hình ảnh và tên giống với lực lượng chức năng để làm tin

Bọn tội phạm sử dụng zalo mang hình ảnh và tên giống với lực lượng chức năng

Trước tình hình phức tạp này khi người dùng có thể nhận được của các cuộc gọi từ đầu số nước ngoài, cuộc gọi mạo danh công an, tòa án, quân đội, ngân hàng, nợ cước viễn thông, các cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT,... VNPT nâng cao mức độ cảnh giác đến khách hàng trên toàn hệ thống. Đồng thời khuyến cáo khách hàng hết sức thận trọng trước tất cả các cuộc gọi, nhắn tin bất thường để tránh bị lừa đảo.

VNPT cho biết đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về việc nhận được các cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226). Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài đến thuê bao VinaPhone, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn.

Những tin nhắn mang tính lừa đảo

Những tin nhắn mang tính lừa đảo

Tương tự, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Người dân cần cảnh giác trước những hành vi sau: giả nhà mạng thông báo nợ cước rồi mạo danh công an, Viện Kiểm sát "dọa" nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy; thông qua mạng xã hội Facebook... làm quen, chuyển quà; chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội để lừa đảo bạn bè, người thân của nạn nhân.

Kịch bản quen thuộc của các cuộc gọi, nhắn tin lừa đảo đều đánh vào tâm lý lo sợ khi bị dọa nợ cước viễn thông, lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản nên cần cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền mới nhận được quà.

.

Một số dấu hiệu nhận biết cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo và biện pháp phòng tránh:

* Các cuộc gọi, tin nhắn Quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc hoặc 00 ở đầu. Hai số tiếp theo không phải là 84 (Mã nước Việt Nam).

* Các cuộc gọi này xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn có nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại. Khách hàng không thực hiện gọi lại những số máy xuất hiện ở những cuộc gọi nhỡ, gọi đến, tin nhắn có dấu hiện như trên. Chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

* Các ứng dụng có tính năng thực hiện cuộc gọi thông thường có thông báo mời Khách hàng lựa chọn giữa cuộc gọi có tính phí và cuộc gọi không tính phí.

Do vậy khi thực hiện cuộc gọi bằng các ứng dụng này, Quý khách hàng lưu ý kiểm tra kỹ hình thức thực hiện cuộc gọi đang sử dụng, tránh phát sinh cước ngoài ý muốn.

Khi có hiện tượng như trên, khách hàng vui lòng phản ánh về tổng đài 18001091 của VNPT để kịp thời giải quyết.

Không cung cấp thông tin

Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc bưu điện thông báo có quà… tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào.

Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện toại.

Cần tắt máy ngay và trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) nhằm được hướng dẫn kịp thời.