Sân trường thành phòng thi
Mới đây, trên trang fanpage của trường THPT An Dương Vương (quận Tân
Phú, TP.HCM) chia sẻ hình ảnh hàng trăm học sinh ngồi làm bài thi ngay giữa sân
trường. Trong đó, các em học sinh được bố trí riêng mỗi em một chiếc bàn sắt và
một chiếc ghế nhựa để làm bài thi.
Các học sinh ngồi một mình, để ngồi tách biệt với nhau. Trung bình mỗi học sinh ngồi cách nhau 1,5-2m tạo thành hàng dài trải dọc khắp sân trường rộng lớn. Ở góc nhìn trên cao, từng em ngồi thành hàng dài, đều đặn tăm tắp, chăm chú làm bài.
Trên mỗi bàn thi, ngoài các dụng cụ học tập như viết, thước kẻ, tẩy, giấy bài thi và đề thi thì học sinh không được sử dụng bất cứ thứ gì đi kèm. Bên cạnh đó, ở mỗi khu vực còn có các giám thị đứng quan sát. Ngay sau khi được chia sẻ, rất nhiều thành viên mạng tỏ ra bất ngờ, hào hứng với hình ảnh đẹp, độc đáo cùng hình thức thi mới mẻ này.
“Thi thế này là chuẩn rồi. Ngày xưa mình chỉ mong trường mình làm như thế này thôi mà ko được. Nếu chia lớp thi không ăn thua, mình học cật lực nhưng đứa khác nó chép bài nhau, vẫn điểm cao hơn mình mà cay mãi”, bạn Hưng Trần bình luận.
Tương tự như Hưng Trần, rất nhiều người cũng lên tiếng ủng hộ hình thức thi này. “Tôi cho rằng đây là cách làm vô cùng hiệu quả, sáng tạo, kiên quyết của nhà trường để ngăn chặn tình trạng gian lận trong thi cử”, bạn có nick Di Nguyễn viết.
Toàn bộ quá trình thi đã được nhà trường ghi lại và chia sẻ trên trang fanpage của trường. Theo đó, những hình ảnh này được ghi lại trong kì thi học kì 1 năm học 2015 - 2016 của trường THPT An Dương Vương.
“Tạo sự công bằng, hạn chế gian lận thi cử”
Liên hệ với ông Trần Đức Thành (hiệu trưởng trường THPT An Dương Vương).
Ông xác nhận đó là những bức ảnh được chụp
tại trường. Thầy hiệu trưởng nói: “Đây là hình ảnh của trường trong kỳ thi học
kỳ I vừa qua, được chụp vào khoảng thời gian từ 6h45 phút đến 7h30 phút sáng
ngày 18/12 trong buổi thi của khối lớp 10 với sự tham dự của 140 em học sinh”.
Đây là kì thi học kì 1 của trường THPT An Dương Vương
Lý giải về việc tổ chức hình thức thi giữa sân trường như vậy, ông Thành nói: “Việc thi này theo nhà trường mục đích ban đầu sẽ là để hạn chế gian lận thi cử. Mỗi em một bàn cách xa cả hơn mét thì khả năng nhìn bài khó hơn. Qua đó, sẽ làm cho học sinh có thêm động lực học tập”.
“Hình thức này có lợi cho học sinh, nhà trường, phụ huynh. Chẳng hạn như giúp thầy cô biết được học lực của các em cũng như chính năng lực của giáo viên để có thể điều chỉnh dạy và học. Phụ huynh thì biết được điểm số thực chất của con mình”, ông Thành giải thích tiếp.
“Nhờ thi như vậy mà các em học sinh đã tự giác hơn rất nhiều trong việc học, dẫn chứng là tỷ lệ đậu tốt nghiệp, đđại học và số lượng thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi ngày càng tăng. Như năm 2011, tỷ lệ đậu đại học chỉ 50% nhưng đến năm 2015, tỷ lệ này là 97%...”, ông Thành ví dụ.
Việc này giúp học sinh tự giác học tập, hạn chế gian lận thi cử
Theo hiệu trưởng, việc thi cử kiểu này đã được nhà trường áp dụng từ năm
2011 đến nay. Không chỉ thi học kỳ mà kể cả kiểm tra giữa kỳ, kiểm tra 1 tiết nếu
làm chung đề thì học sinh cũng sẽ được nhà trường mới tổ chức như vậy.
Sau 4 năm tổ chức,
hình thức thì này đến nay đang được học sinh cũng như phụ huynh rất hưởng
ứng, nên vẫn tiếp tục duy trì. Việc ngồi xa và diện tích rộng vẫn đảm bảo không
ảnh hưởng tới việc phát, thu bài hay coi thi vì giám thị được xếp dày đặc và
linh động, còn hệ thống camera bố trí nhiều nơi.
"Trước giờ mình thi không gặp sự cố về thời tiết vì đều được thầy
cô xem xét kĩ càng. Gian lận thì học sinh ít dám lắm vì trường mình xử rất nặng.
Việc thi như thế này khiến thực lực bản thân được công nhận tuyệt đối, có động
lực học tâp nên học sinh cũng không có ai phàn nàn”, em Nguyễn Hưu Huy (lớp 10)
chia sẻ.